Thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa đảm bảo dạy, học
So với các tỉnh thành trên toàn quốc, dịch Covid-19 ở tỉnh ta được kiểm soát chặt chẽ, không có ca bệnh trong cộng đồng, vì vậy, công tác triển khai năm học mới 2021-2022 đảm bảo thực hiện được theo khung thời gian năm học tại Quyết định số 454/QĐ-UBND ngày 19/8/2021 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm học mới.
Dạy, học ứng với các mức độ nguy cơ dịch tễ
Căn cứ tình hình diễn biến của bệnh dịch Covid-19 hiện nay trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận, Sở GD&ĐT dự kiến các giải pháp trong tổ chức dạy, học ứng với các mức độ nguy cơ dịch tễ.
Theo ông Nguyễn Đình Vinh- Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT thì có 4 mức độ thực hiện: Mức độ bình thường mới, nguy cơ, nguy cơ cao, nguy cơ rất cao. Đối với mức độ bình thường mới, cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh thực hiện nghiêm 5K; nhà trường thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn theo quy định của Bộ Y tế, UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Y tế, tự đánh giá và cập nhật trên hệ thống “antoancovid.vn”.
|
Đối với mức độ nguy cơ, ngoài các giải pháp như đối với mức “bình thường mới” thì đối với các trường vùng thuận lợi tổ chức dạy học (từ lớp 3 đến lớp 12), phân buổi đảm bảo tối thiểu 5 buổi/tuần. Các trường ưu tiên cho học sinh lớp 1, lớp 2 và lớp 12 học tại trường; nếu không đủ điều kiện để tổ chức tại trường thì tổ chức học trực tuyến qua phần mềm Microsoft Teams. Các trường vùng khó khăn tổ chức dạy học (từ lớp 3 đến lớp 12). Các trường ưu tiên cho học sinh lớp 1, lớp 2 và lớp 12 học tại trường; nếu không đủ điều kiện để tổ chức tại trường, nhà trường lên phương án dạy học phù hợp với điều kiện thực tế.
Mức độ nguy cơ cao, học sinh nghỉ học tập trung. Nhà trường điều chỉnh chương trình, triển khai hoạt động dạy học trực tuyến cho các trường, lớp có điều kiện thuận lợi hoặc vận dụng các trang dạy học online để hướng dẫn cha mẹ học sinh cho con em học trực tuyến tại nhà. Đối với những nơi không đủ điều kiện để tổ chức, cũng như cha mẹ học sinh không có phương tiện và điều kiện để giúp con học trực tuyến, giáo viên phối hợp với cha mẹ học sinh giúp cha mẹ học sinh hướng dẫn dạy học tại nhà và giao bài tập có liên quan. Đối với mức độ nguy cơ rất cao, ngoài thực hiện các biện pháp như mức “nguy cơ cao”, còn thực hiện khai báo y tế bắt buộc với toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh.
Cùng với đó, Sở GD&ĐT đã chủ động chuẩn bị cho công tác dạy học trực tuyến để triển khai dạy học trực tuyến trong trường hợp học sinh không thể đến trường. Sở đã trang bị tài khoản office 365 cho toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, đồng thời tổ chức nhiều đợt tập huấn về kỹ năng dạy học trực tuyến cho giáo viên.
Trên cơ sở các phương án mà Sở GD&ĐT triển khai, các trường học trên địa bàn tỉnh cũng đã xây dựng các phương án cụ thể. Cô Hoàng Thị Thanh Hải- Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Diên Bình, huyện Đăk Tô) cho biết: Nhà trường đã xây dựng phương án dạy và học theo 4 mức độ dịch bệnh. Ở mức độ nguy cơ cao, nhà trường đặc biệt chú ý đến các đối tượng là học sinh khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số không có phương tiện, điều kiện học trực tuyến, khi đó sẽ tập trung phối hợp với các đoàn thể địa phương để cùng với giáo viên phối hợp cha mẹ học sinh hỗ trợ, nhắc nhở các con làm bài tập được giao.
Chú trọng đảm bảo cơ sở vật chất
Đảm bảo về cơ sở vật chất cho năm học mới, ngành Giáo dục đã đầu tư xây dựng mới các phòng học, công trình phụ trợ. Nhờ vậy, về phòng học cơ bản đảm bảo cho việc dạy học, các huyện, thành phố đã bố trí cho lớp 1 đủ 1 phòng/lớp để thực hiện chương trình phổ thông mới.100% điểm trường chính đã có công trình vệ sinh nước sạch cho học sinh và giáo viên. Cơ sở giáo dục tiểu học cơ bản đã bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu để thực hiện Chương trình đổi mới sách giáo khoa lớp 1, 2. Hiện nay, Sở GD&ĐT đang tham mưu các cấp để bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu cho lớp 2 đến lớp 12 để thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Tính đến tháng 6/2021, toàn ngành có 965 CBQL và 9.336 giáo viên. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp học được củng cố, cơ bản đảm bảo về số lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới.
|
Cũng theo ông Nguyễn Đình Vinh, ngoài diễn biến phức tạp của dịch bệnh thì vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên nên khó khăn trong triển khai chương trình giáo dục, đặc biệt là dạy học 2 buổi/ngày. Nguồn tuyển giáo viên đạt chuẩn đào tạo, nhất là giáo viên tiếng Anh ở các địa bàn vùng sâu vùng xa gặp khó khăn. Tỷ lệ giáo viên tiểu học chưa đạt chuẩn đào tạo theo quy định mới còn nhiều (30,04%). Cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường học ở các lớp tiếp theo còn thiếu so với yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018, nhất là thiếu phòng bộ môn và trang thiết bị, đồ dùng, sân chơi, bãi tập, nhà bán trú, nhà ăn, nhà công vụ, công trình vệ sinh nước sạch ở các điểm lẻ...
Tuy nhiên, với sự nỗ lực chuẩn bị của toàn ngành, sự chung tay của các cấp, các ngành, các địa phương, Ngành Giáo dục tỉnh quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học mới, vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa thi đua dạy tốt học tốt.
Văn Phương