Thực hiện tốt chế độ, chính sách vùng đồng bào DTTS và miền núi
Nhờ thực hiện tốt chế độ, chính sách trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng đồng bào DTTS và miền núi, đến nay, tỉnh ta chỉ còn 14.601 hộ nghèo, chiếm 10,29% tổng số hộ dân toàn tỉnh; trong đó, 13.688 hộ nghèo DTTS, chiếm 18,75% tổng số hộ người DTTS toàn tỉnh.
Ông Đinh Quốc Tuấn-Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Từ năm 2016 đến nay, tư tưởng, tâm trạng đồng bào DTTS tỉnh ta ổn định, phấn khởi trước những thành tựu phát triển của đất nước, của tỉnh đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh; đồng thời luôn đồng tình, ủng hộ những quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng về công tác dân tộc, đoàn kết dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Qua đó chứng tỏ, các chế độ, chính sách đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi của Đảng và Nhà nước được triển khai ở tỉnh phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất người dân và rút ngắn khoảng cách giữa các vùng.
Qua rà soát, đánh giá cho thấy, hiện nay tỉnh ta có 92/102 xã, phường, thị trấn được phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025, giảm 10 xã so với giai đoạn 2016-2020. Trong đó, 52 xã khu vực III là xã ĐBKK, tăng 3 xã; 4 xã khu vực II, giảm 23 xã; 36 xã khu vực I, tăng 10 xã. Ngoài ra, toàn tỉnh có 41 thôn là thôn ĐBKK thuộc 20 xã, phường, thị trấn. Như vậy, tỉnh ta sẽ có 3 xã với 13 thôn ĐBKK sẽ được hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực II và 17 xã với 28 thôn ĐBKK sẽ được hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực I.
|
Từ năm 2016 đến nay, nhiều chính sách của Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để huy động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đối với giáo dục mầm non, 7,37% trẻ DTTS dưới 3 tuổi đến nhà trẻ, 90,8% trẻ DTTS 3-5 tuổi đi học mẫu giáo, 100% trẻ em DTTS từ 5-6 tuổi được chuẩn bị điều kiện vào học lớp 1. Đối với giáo dục phổ thông, 99,82% trẻ DTTS trong độ tuổi tiểu học vào học tiểu học, 99,5% học sinh DTTS hoàn thành chương trình tiểu học vào học THCS, 3,9% học sinh DTTS tốt nghiệp THCS đi học nghề kết hợp với học chương trình GDTX cấp THPT, 93,07% học sinh DTTS cấp THCS và 91,36% học sinh DTTS cấp THPT có học lực từ trung bình trở lên...
Đối với chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi, từ năm 2016 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai 16 chương trình tín dụng chính sách tại 102 xã, phường, thị trấn. Riêng vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là 124.240 lượt hộ; trong đó, hộ sinh sống tại vùng khó khăn là 73.385 hộ với kinh phí 3.907.451 triệu đồng với lãi suất vay ưu đãi, thu hút tạo việc làm mới cho 9.227 lượt lao động; 10.003 học sinh có hoàn cảnh khó khăn vay để trang trải kinh phí học tập; xây dựng mới 1.977 căn nhà cho hộ nghèo; làm 52.555 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; tăng được hơn 16.000 con trâu, bò... Qua đó, đã giúp trên 12 nghìn hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 26,11% năm 2015 xuống còn 10,29% năm 2020.
Tuy nhiên, hiện nay, các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a ở tỉnh ta như Tu Mơ Rông, Ia H’Drai, Kon Plông có đối tượng thụ hưởng chính sách hầu hết là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK. Nhưng khi áp dụng Điều 3, Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021, của Thủ tướng Chính phủ “về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025” thì sẽ ảnh hưởng ngay lập tức đến phạm vi, đối tượng, địa bàn thụ hưởng chính sách. Việc cắt giảm các chính sách về an sinh xã hội, vay vốn, hỗ trợ sản xuất và chính sách BHYT sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người DTTS. Đây thực sự là một tác động, thách thức đối với chính quyền và nhân dân, nhất là trong điều kiện đời sống nhân dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như hiện nay.
Trước yêu cầu đặt ra, trong thời gian tới, UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép địa phương được thực hiện các chính sách về BHYT, an sinh xã hội, giáo dục-đào tạo đối với các xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, ĐBKK được kéo dài đến cuối năm 2021; các xã thuộc khu vực III đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục được thụ hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực III kéo dài thêm 1 năm kể từ ngày có quyết định của cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới có hiệu lực để tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất nhằm từng bước ổn định cuộc sống, tránh trường hợp tái nghèo.
Đồng thời, đề nghị Ủy ban Dân tộc có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người dân sinh sống hoặc làm việc tại thôn ĐBKK thuộc 11 xã khu vực I là xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; tại thôn ĐBKK thuộc phường Ngô Mây (thành phố Kon Tum), thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà), Măng Đen (huyện Kon Plông), Sa Thầy (huyện Sa Thầy) nhưng không nằm trong danh sách phê duyệt các xã xây dựng nông thôn mới của tỉnh được phê duyệt thôn ĐBKK theo Quyết định số 433/QĐ-UBDT, ngày 18/6/2021, của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
Vĩnh Hà