Thực phẩm nhà làm - liệu có đáng tin
Đã đến lúc cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý, kiểm tra, xử lý về hoạt động kinh doanh, mua bán thực phẩm được giới thiệu nhà làm để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần tỉnh táo, cẩn trọng hơn trong việc chọn mua các thực phẩm nhà làm để tránh “tiền mất tật mang”.
Chưa khi nào, các loại thực phẩm được gắn mác “nhà làm” (hay còn gọi là handmade) lại được rao bán nhiều đến thế, nhất là trên các trang mạng xã hội với những lời quảng cáo “có cánh”, như là đảm bảo vệ sinh thực phẩm, không sử dụng các loại hóa chất, phụ gia độc hại. Thế nhưng, trên thực tế, hầu hết các loại thực phẩm này chưa được chứng nhận của các cơ quan chức năng về độ an toàn thực phẩm theo các tiêu chuẩn chung. Vì vậy, vấn đề chất lượng và mức độ an toàn thực phẩm của hàng handmade đang đặt ra không ít băn khoăn, lo ngại đối với người tiêu dùng.
Trong khi đó, trước nỗi lo về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nhiều loại sản phẩm hàng hóa trên thị trường, một số người tiêu dùng lại có tâm lý chuộng các loại hàng handmade với niềm tin rằng sản phẩm này sẽ an toàn hơn. Bởi, các mặt hàng này được quảng bá khá hiệu quả từ lời giới thiệu những người quen biết với nhau cho đến các trang mạng xã hội, với đủ chủng loại từ những thực phẩm tươi sống rau, cá, thịt đến các loại bánh mứt, gỏi, khô, mắm… Nhất là, từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều người ngại đến những nơi đông người để mua bán, ăn uống và cùng với sự "lên ngôi" của mua bán online, các loại thực phẩm nhà làm ngày càng đắt khách do được quảng cáo rộng rãi và phục vụ tận nơi.
|
Chị Phạm Thị Nhi (tổ 7, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) cho biết: Tôi hay lướt facebook và thường đặt mua các loại đồ ăn, uống qua các trang cá nhân. Tôi nghĩ, các loại thực phẩm này do họ tự làm, chế biến nên chắc sạch sẽ hơn, yên tâm hơn về chất lượng, nhất là không lo chất bảo quản, không có nhiều loại phẩm màu độc hại... Việc mua bán cũng rất tiện lợi, chỉ cần comment, rồi để lại số điện thoại, địa chỉ giao hàng, đến giờ sẽ được mang đến tận nơi, thanh toán là xong.
Rất nhiều người tiêu dùng có cùng suy nghĩ như chị Nhi, cứ thấy thực phẩm được giới thiệu, quảng cáo là tự làm, nhà làm… với giá cả phải chăng, được ship tận nhà thì liền đặt mua mà không quan tâm đến quy trình chế biến, bảo quản, sử dụng thực phẩm, thời hạn sử dụng ra sao… Tuy nhiên, các loại thực phẩm được gọi là "nhà làm, nhà trồng, nhà nuôi" này có thực sự do nhà làm ra hay không, nguồn gốc nguyên liệu lấy từ đâu, địa chỉ cơ sở sản xuất ở đâu… cũng không ai biết, người bán từ đâu cũng ẩn trên mạng, không rõ (hoặc không có) địa chỉ cửa hàng. Việc mua bán chủ yếu là tin tưởng nhau với những cam kết bằng miệng kiểu như “ngon, đảm bảo chất lượng 100%”, “không chất bảo quản, phụ gia”…
Công bằng mà nói, nếu mua được thực phẩm ở những người quen biết, đúng chuẩn nhà làm thì có thể yên tâm về chất lượng. Thế nhưng, thực tế hiện nay đa phần những người buôn bán thực phẩm nhà làm đều lấy hàng từ một cơ sở sản xuất nào đó rồi bán lại và gắn cho cái nhãn “nhà làm” để đánh lừa người tiêu dùng.
Đáng lo ngại hơn, các loại thực phẩm tự xưng là “nhà làm” hầu như chưa có ai quản lý. Bởi, phần lớn người dân bán thực phẩm nhà làm đều không đăng ký kinh doanh, không có địa chỉ sản xuất, chế biến rõ ràng. Vì thế, các loại thực phẩm nhà làm thực sự tiềm ẩn nhiều nỗi lo.
Khi chúng tôi bày tỏ băn khoăn về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các loại thực phẩm này, thì lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cũng “lắc đầu ngao ngán”, bởi đối tượng kinh doanh này không thuộc thẩm quyền quản lý (và cũng không thể quản lý hết được).
Thực tế, hiện nay chưa có quy định cụ thể, chi tiết nào đối với việc bán hàng thực phẩm trên mạng xã hội, cũng như chưa có đơn vị, cơ quan nào chuyên trách kiểm tra, kiểm soát chất lượng các loại thực phẩm nhà làm. Vì thế, nếu xảy ra vấn đề về ngộ độc thực phẩm hay rủi ro thì người tiêu dùng cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Các sản phẩm “nhà làm” được người tiêu dùng yêu thích và tin tưởng với suy nghĩ mua được trực tiếp của người làm, giá cả hợp lý, tiện lợi. Nhưng trước sự nhập nhằng trong khâu sản xuất và bán hàng, đã đến lúc cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý, kiểm tra, xử lý về hoạt động kinh doanh, mua bán thực phẩm được giới thiệu nhà làm để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần tỉnh táo, cẩn trọng hơn trong việc chọn mua các thực phẩm nhà làm để tránh “tiền mất tật mang”.
Thiên Hương