Trần Văn Dần - Cựu chiến binh gương mẫu, trách nhiệm
Không chỉ siêng năng, cần cù, dám nghĩ dám làm trong phát triển kinh tế, ông Trần Văn Dần (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) còn tích cực cống hiến vì cộng đồng, qua đó góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
“Năm 1992, tôi xuất ngũ, trở về quê nhà tại xã Trung Hà, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. 8 năm sau, tôi đến định cư tại Kon Rẫy và bén duyên với mảnh đất Tân Lập này. Xuất thân là một người lính, tôi hiểu rõ những khó khăn, vất vả để lập nghiệp tại một vùng đất mới. Chính vì vậy, tôi luôn tự nhủ, mình phải cố gắng thật nhiều để tạo một cuộc sống ấm no, ổn định cho gia đình” - ông Trần Văn Dần (hội viên Hội Cựu chiến binh xã Tân Lập) tâm sự.
Theo như ông Dần chia sẻ, những ngày đầu lập nghiệp gặp vô vàn khó khăn, vất vả. Nguồn thu nhập duy nhất của gia đình là 5 sào mì, trong khi vợ chồng ông phải cáng đáng chăm lo bố mẹ già và các con nhỏ, bởi vậy dù tằn tiện chi tiêu nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Trăn trở, tìm kiếm cách phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống cho gia đình, ông quyết định dồn sức chăm sóc từng luống mì, nâng cao năng suất để tăng nguồn thu nhập cho gia đình, làm tiền đề cho các bước tiếp sau.
|
Nhấp ngụm chè đặc, ông Dần tiếp tục câu chuyện: Đúng là trời không phụ lòng người, trong 2 năm liên tiếp, mì đều được giá, chính vì vậy gia đình tôi cũng kiếm được một nguồn thu nhập nho nhỏ. Nhờ vậy, đầu năm 2002, từ số tiền dành dụm được, tôi quyết định xây chuồng trại và mua 10 con heo giống về thử nghiệm mô hình nuôi heo nái và heo lấy thịt. Quãng thời gian đó, tôi đầu tắt mặt tối, vừa cặm cụi chăm sóc mấy sào mì của gia đình, vừa dành thời gian tìm tòi về kiến thức chăn nuôi heo qua sách vở, kinh nghiệm thực tiễn từ những người đi trước, buổi tối lại tranh thủ tham gia các lớp tập huấn do xã tổ chức… Tuy nhiên cũng nhờ vậy, tôi có được kỹ năng chăm sóc đàn heo hiệu quả. Đàn heo của tôi phát triển ổn định, việc nuôi heo dần trở thành nguồn kinh tế chính của gia đình. Có năm, gia đình tôi xuất hàng tấn heo đem lại thu nhập vài trăm triệu đồng. Riêng năm 2019, gia đình tôi thu được khoảng 300 triệu đồng từ nuôi heo.
Thành công với mô hình nuôi heo, ông Dần tiếp tục mua thêm đất, xây dựng thêm mô hình kinh tế khác. Sau khi tham quan, tìm hiểu kỹ càng nhiều mô hình trồng cây công nghiệp dài ngày, ông Dần quyết định trồng 700 cây cao su trên diện tích 1,5ha.
“Cao su là loại cây cho nguồn thu ổn định, có tiềm năng phát triển kinh tế cao. Hiện tại vườn cao su của tôi đã được 9 năm. Bình quân mỗi tháng tôi thu được 8 – 9 triệu đồng, trừ 4 tháng không lấy mủ được, mỗi năm số tiền tôi thu được từ cây cao su khoảng 80 triệu đồng. Hơn nữa tôi khai thác theo phương pháp khoan cây rút mủ cao su bằng khí ethylen nên đỡ tốn công, bớt vất vả” – ông Dần nói.
Hiện tại, ngoài chăn nuôi heo và trồng cao su, ông Dần còn đầu tư trồng 2,5ha cà phê, mỗi năm đem lại thu nhập hơn 150 triệu đồng. Riêng cây mì, từ 5 sào ban đầu, đến nay, ông Dần đã mở rộng diện tích đến 2 ha. Sau 2 năm ông thu hoạch 1 lần, trong đó 1 ha mì đem lại thu nhập khoảng 30 triệu đồng.
Trong thời gian tới, ông Dần dự định sẽ thử nghiệm trồng xen canh cây ăn quả với cà phê. Nếu mô hình phát triển tốt, cho năng suất cao, ông sẽ tiếp tục đầu tư cho hướng đi mới này.
Không chỉ giỏi làm kinh tế, gia đình ông Dần là 1 trong 12 hộ gia đình tiêu biểu của thôn thực hiện tốt việc tình nguyện hiến đất để làm đường tại địa phương. Trong năm 2019, ông đã hiến trên 1.000m2 đất để xây dựng đường nội thôn và cầu nối từ Quốc lộ 24 sang địa bàn thôn 6, xã Tân Lập.
Ông Vũ Thanh Tuyển - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Lập cho biết: Ông Dần là một trong những hội viên Cựu chiến binh tiêu biểu trên địa bàn xã Tân Lập. Không chỉ siêng năng, cần cù, dám nghĩ dám làm trong phát triển kinh tế, ông còn tích cực cống hiến vì cộng đồng, qua đó góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
Tất Thành