Trở lại Măng Cành
Trong những năm qua, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền toàn dân phát triển kinh tế hộ gia đình thông qua việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi, đời sống của người dân Măng Cành (huyện Kon Plông) đã có nhiều cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
Trở lại xã Măng Cành trong những ngày bà con ra đồng thu hoạch lúa vụ mùa, nhìn những ruộng lúa chín vàng hạt mẩy giữa bạt ngàn rừng núi bao quanh những xóm làng đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi vô cùng phấn khởi khi thấy nơi đây ngày càng thay da đổi thịt, người dân no ấm đủ đầy.
Ông A Hùng - Thôn trưởng thôn Tu Ma của xã cho biết: Toàn thôn có 32 hộ, nhưng đến nay không còn hộ đói, hộ nghèo chỉ còn trên 25%, so với những năm trước đây giảm rất nhiều. Nguyên nhân là do người dân đã biết thâm canh các loại cây trồng, vật nuôi. Ngoài cây lúa bao đời nay gieo cấy, người dân trong thôn đã phát triển trồng được trên 3ha với các loại cây có giá trị kinh tế cao như: cà phê, bời lời, tre lấy măng, sâm đương quy… Nhờ thu nhập ổn định nên người dân có tích cóp để sửa sang nhà cửa khang trang, đồng thời sắm sửa các phương tiện đi lại, nghe nhìn hiện đại hơn.
|
Dẫn chúng tôi đến thăm một số thôn làng trên địa bàn xã, anh A Lấu - cán bộ Địa chính xã cho biết: Năm nay, Nhà nước hỗ trợ cho xã 2,469 tỷ đồng để xây dựng kiến thiết cơ bản. Trong đó, Chương trình 30a của Chính phủ hỗ trợ 756 triệu đồng làm đường đi khu sản xuất thôn Tu Ma, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hỗ trợ 1,173 tỷ đồng xây dựng công trình cung cấp nước sinh hoạt cho thôn Kon Chênh 426 triệu đồng và thôn Kon Kum 747 triệu đồng, Chương trình thực hiện theo Đề án 991 hỗ trợ 540 triệu đồng xây dựng thủy lợi Nước Reo, thôn Tu Rằng. Hiện nay, tất cả các công trình nói trên đã hoàn thành và đưa vào sử dụng có hiệu quả.
Ngoài ra, Chương trình 30a của Chính phủ hỗ trợ 600 triệu đồng để phát triển sản xuất cho nhân dân. Trong đó, Dự án hỗ trợ đương quy 264 triệu đồng, Dự án hỗ trợ sâm dây 100 triệu đồng và Dự án hỗ trợ cà phê xứ lạnh 236 triệu đồng. Hiện nay, các dự án nói trên đang trình hồ sơ phê duyệt để triển khai trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Chương trình 135 của Chính phủ còn hỗ trợ 189 triệu đồng cho Dự án phát triển cà phê xứ lạnh và 52 triệu đồng duy tu bảo dưỡng công trình nước sinh hoạt thôn Măng Pành.
Ông Trần Văn Nết - Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Năm nay thời tiết thuận lợi, nên bà con nhân dân toàn xã đã gieo cấy được 262ha lúa vụ mùa, đạt 100% kế hoạch; 83,4ha cây bắp, đạt 92,66% kế hoạch; 176ha cây mì, đạt 100% kế hoạch; 48ha cây rau và đậu các loại, đạt 96% kế hoạch; 69ha rau và hoa xứ lạnh, đạt 98% kế hoạch, trong đó tập trung sản xuất các loại quả như: cà chua, dâu tây, bắp sú và các loại rau xứ lạnh, chủ yếu trồng tại Dự án 37 hộ và các doanh nghiệp khác trong vùng dự án tại thôn Kon Tu Rằng. Toàn xã còn trồng được 270,6ha cây lâu năm, đạt 106,16% kế hoạch, trong đó 244,6ha cà phê, đạt 107,9% và 26ha cây ăn quả, đạt 93%. Ngoài ra, toàn xã còn trồng được 14,8ha cây dược liệu, đạt 50,2% kế hoạch, trong đó 2,8ha cây nghệ đỏ, 8,1ha cây cà gai leo, 1ha cây xạ đen, 1ha cây sâm dây, 1,9ha cây đương quy; 221,3ha cây bời lời, 26ha cây tre lấy măng...
Đặc biệt, chăn nuôi là thế mạnh của bà con nhân dân, nên trong những năm qua, UBND xã đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong xã tuyên truyền, vận động nhân dân chăm sóc tốt đàn gia súc, hạn chế tình trạng thả rông và có 98% số hộ làm chuồng trại có mái che, nên trên địa bàn không xảy ra dịch bệnh. Đến nay, toàn xã đã nuôi được 12.734 con gia súc, đạt 98,79% kế hoạch, tăng 6.919 con so với cùng kỳ năm 2017. Ngoài ra, toàn xã còn nuôi trồng được 5,5 ha thủy sản, trong đó cá nước ngọt thông thường 4,8 ha và cá nước lạnh 0,7 ha.
Đến nay, UBND huyện đã tổ chức giao khoán bảo vệ rừng cho 502 hộ gia đình với 5.293,29 ha cho nhân dân trên địa bàn xã quản lý. Hàng năm, UBND xã đã phối hợp với các chủ rừng tăng cường công tác quản lý, rà soát phương án và các biện pháp triển khai, thực hiện phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn xã theo phương châm 4 tại chỗ, đồng thời bố trí lực lượng canh phòng ở các khu vực trọng điểm để xử lý kịp thời khi có cháy rừng xảy ra, nên không có cháy rừng xảy ra trên địa bàn và tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn xã đạt 79,5%.
Thu nhập bình quân đầu người năm nay ước đạt 22 triệu đồng/năm, toàn xã có 60 hộ thoát nghèo. Theo đó, toàn xã chỉ còn 189 hộ nghèo, chiếm 28,6% và 106 hộ cận nghèo, chiếm 15,99% so với tổng số hộ toàn xã.
Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, cùng với sự đóng góp của nhân dân, đến nay, xã đã đạt được 11 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, trong đó bao gồm các tiêu chí về quy hoạch và thực hiện quy hoạch, điện, trường học, cơ sở văn hóa, bưu điện, nhà ở dân cư, hộ nghèo, y tế, văn hóa, hệ thống chính trị xã hội, an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Phấn đấu đến cuối năm nay, toàn xã đạt thêm 6 tiêu chí nữa về giao thông, thủy lợi, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, cơ cấu lao động, môi trường là sẽ nâng lên được 17 tiêu chí.
Trở lại Măng Cành trong những tháng cuối năm, nhìn cánh đồng lúa chín, nhìn những con đường đổ bê tông uốn quanh các thôn làng và nhìn những mái nhà ngói đỏ au dưới những cánh rừng xanh tốt, chúng tôi thấy cuộc sống của người dân đang từng ngày khởi sắc.
Bài, ảnh: Vĩnh Hà