Trong nắng thu vàng
Tôi ngồi viết những dòng này khi năm học mới đã bắt đầu, và tâm trí vẫn còn vướng vít với hồi trống khai giảng cất lên qua… sóng truyền hình.
1. Sáng sớm nay, ngày 5/9, dù biết trước lễ khai giảng năm học mới sẽ được phát trên sóng phát thanh, truyền hình, nghĩa là học sinh sẽ khai giảng… ở nhà, nhưng tôi vẫn không kìm nổi lòng mình mà dắt xe chạy lòng vòng ngoài phố.
Trời lất phất mưa bay. Đường phố vắng vẻ quá. Âu cũng là điều tất nhiên. Phần vì ý thức chấp hành các quy dịnh phòng dịch của người dân, nhưng chủ yếu là do học sinh và phụ huynh đang ở nhà chuẩn bị đón lễ khai giảng đặc biệt nhất, chưa từng có tiền lệ.
Theo thông lệ, lễ khai giảng năm học mới hàng năm được tổ chức vào sáng 5/9. Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, lần đầu tiên, buổi lễ diễn ra bằng một hình thức rất đặc biệt: Phát trên sóng truyền hình, phát thanh.
Và dù chương trình được tổ chức với đầy đủ các nghi thức: Lễ chào cờ, tuyên bố lý do, diễn văn khai giảng, đọc thư Chủ tịch nước, phát biểu của lãnh đạo tỉnh, đánh trống khai trường..., nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn thấy nhớ, thấy thèm không khí náo nức của ngày tựu trường như mọi năm.
Tôi đi qua những cổng trường đóng kín. Dù sân trường vẫn đầy nắng thu, và gió thật nhẹ nhàng, nhưng sân trường lại vắng tiếng cười, tiếng nói, vắng sự ồn ào đáng yêu của ngày khai trường, làm tôi nhớ về những ngày khai giảng trước, cái ngày mà hàng triệu trái tim học trò nhớ đến. Cái ngày có một khung cảnh tuyệt vời, với bóng bay rợp trời, khăn quàng đỏ tung bay trong gió, màu áo trắng kín sân trường.
Nhớ đến đám trẻ xóm tôi, dù đã đến trường từ cuối tháng 8, gọi là tựu trường, nhưng vẫn cứ háo hức, cứ chộn rộn chờ đến ngày 5/9- ngày khai giảng. Và sáng hôm ấy, chúng vẫn dậy sớm hơn, gọi nhau í ới, xúng xính trong quần áo đồng phục mới tinh, giục bố mẹ chở đến trường.
Buổi khai giảng được tổ chức đơn giản mà gọn gàng, không rườm rà, cầu kỳ nhưng giữ vững được sự trang trọng và ý nghĩa đặc biệt vốn có của nó. Lễ chào cờ diễn ra thật trang nghiêm vào một khung giờ được định sẵn trên toàn quốc, học sinh bên nhau chăm chú lắng nghe đọc thư của Chủ tịch nước, rồi khi tiếng trống trường rộn rã vang lên, nơi nơi hòa mình vào giây phút đón năm học mới.
Một năm học mới bắt đầu với rất nhiều cố gắng và kỳ vọng. Nó sẽ trở thành một dấu mốc để rồi năm nào cũng thế, vào đúng ngày này, những ai đã và đang cắp sách đến trường cũng đều nhớ tới và ngóng về.
Vào mỗi ngày khai giảng, tôi đều tìm đến một trường tiểu học nào đó, lặng lẽ “dự” lễ khai giảng ở… ngoài cổng. Từ trong những khuôn mặt ngây thơ đang tràn đầy sự hứng khởi ấy, tôi luôn được thấy lại mình trong lễ khai giảng hàng chục năm trước.
Ngày ấy, lễ khai giảng không có bóng bay, nhiều học trò không có quần áo mới. Trước ngày khai giảng cả nửa tháng, cô trò hò nhau đến trường để lao động, dọn dẹp phòng học, nhận lớp, nhận cô. Nói như bây giờ, ấy cũng là năm học bắt đầu trước khi khai giảng.
Nhưng ai cũng nghĩ rằng, nếu như chưa nghe đại diện học sinh đọc quyết tâm thư, chưa nghe thầy hiệu trưởng đáng kính đánh hồi trống tưng bừng, rộn rã thì vẫn chưa vào năm học mới.
Cũng với khăn quàng đỏ trên vai, mắt nhìn cờ Tổ quốc, tôi cùng bạn bè hát vang Quốc ca sau khẩu lệnh của thầy giáo; hân hoan lắng nghe thư của Chủ tịch nước và xúc động nhìn thầy hiệu trưởng đánh hồi trống chính thức khai giảng năm học mới.
Từng tiếng trống trầm hùng khiến những đứa học trò chân trần chúng tôi cảm thấy máu chảy rần rần trong người. Và tôi luôn tự hứa thầm rằng, sẽ luôn cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt.
Mưa dứt hạt từ khi nào, nắng bỗng hừng lên rực rỡ. Từ ngôi nhà ven đường vọng lên tiếng trống trầm hùng, hẳn phát ra từ tivi. Vậy là một năm học mới đã đến. Một năm học với rất nhiều khó khăn đang chờ phía trước. Nhưng tôi tin rằng, với sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, ngành Giáo dục tỉnh sẽ vượt qua mọi gian khó, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trồng người.
|
2. Từ xã Ia Đal xa xôi, bạn gửi cho tôi những bức ảnh chụp vội bằng điện thoại, như muốn giúp tôi hiểu rõ hơn về lễ khai giảng chưa từng có nơi đầu sông đầu suối từ những “mảnh ghép” ấy.
Mở những bức ảnh, tôi cố hình dung lại ngôi trường tiểu học nằm dưới tán rừng, thỉnh thoảng lại có em học sinh đi học muộn, hớt hải chạy vào.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm (Khoa Tiểu học), bạn xung phong lên xã Mô Rai (huyện Sa Thầy) dạy học. Năm 2015, huyện mới Ia H’Drai được thành lập, bạn tiếp tục “định cư” ở vùng biên đến nay.
Gian nan, vất vả ư? Khó mà kể hết được anh ơi. Không phải vô cớ mà bà con nói “sương đêm trên núi cũng không nhiều hơn mồ hôi thầy, cô giáo” đâu. Em đã từng có ý định bỏ nghề, về nhà… bán hàng. Nhưng rồi tình yêu nghề, yêu trò giữ chân em lại. Đến bây giờ lại không muốn đi nữa rồi- có lần bạn chia sẻ.
Không chỉ dạy chữ, các thầy, cô giáo còn tìm hiểu kỹ hoàn cảnh gia đình từng học sinh để giúp đỡ kịp thời những trường hợp quá khó khăn, khi thì quyển vở, cây bút, cái cặp, thậm chí là đôi dép, bộ quần áo... Một phần là mua từ tiền lương tháng, còn lại là vận động bạn bè hỗ trợ.
Hôm đầu tháng, tôi nhận được tin nhắn của bạn: Thùng hàng anh gửi xe của huyện lên, em đã nhận được rồi. Em sẽ chuyển đến tận tay các em những chiếc cặp đẹp long lanh ấy. Tôi mường tượng ra khi chiếc cặp được khoác lên vai, tiếng cô bé tíu tít khoe: Đẹp lắm mẹ ạ. Rồi cười thích thú. Tiếng cười trong trẻo lăn xa, lăn xa như cơn gió mùa thu mát lành.
Rồi sáng nay, bạn chia sẻ những hình ảnh khai giảng và viết: Tiếc là hôm nay, các em không được khoe cặp mới rồi.
Tôi ngắm rất lâu bức hình chụp 2 cô bé mặc đồng phục ngồi theo dõi lễ khai giảng trên tivi. Trên tay một em là lá cờ Tổ quốc đỏ tươi, em kia cầm những bông hoa dại. Nơi các em ngồi hẳn là một quán tạp hóa, bởi xung quanh lỉnh kỉnh hàng hóa. Chiếc tivi được đặt trên bàn giữa nhà.
|
Về lý trí, tôi đồng tình với cách làm này, bởi bảo vệ sức khỏe của con trẻ trước Covid-19- kẻ thù vô hình và đặc biệt nguy hiểm, là yêu cầu hàng đầu. Nhưng khi nhìn vào dáng ngồi lẻ loi của 2 em, tôi lại thấy rưng rưng. Tôi biết, các em khát khao đến nhường nào được diện những bộ quần áo mới hòa vào không khí tưng bừng như ngày hội; được tay trong tay với bạn bè, cười nói, trò chuyện sau những ngày xa cách.
Nhưng tôi mong rằng, cảm xúc về lễ khai giảng năm học mới đặc biệt sẽ còn mãi trong tâm trí các em. Dịch bệnh làm thay đổi mọi thứ, buộc tất cả chúng ta phải thay đổi để thích ứng. Dù có thiệt thòi, có khó khăn thì lễ khai giảng vẫn trọn vẹn ý nghĩa tốt đẹp vốn có.
Và hãy vững tin bước vào năm học mới. Bắt đầu từ ngày nắng thu vàng tuyệt đẹp này.
Hồng Lam