Từ cuốn sổ tay đến phóng viên số
Ngày mới vào nghề, tôi lúc nào cũng mang theo một cuốn sổ tay, một cây bút và chiếc máy ảnh nhỏ. Cứ đi hiện trường là mở sổ, ghi chép vội những lời kể của nhân vật, gạch đầu dòng mấy ý chính để về viết bài. Có người bảo viết tay mất thời gian, không nhanh bằng ghi âm. Nhưng tôi lại thấy, mỗi lần viết là một lần mình dừng lại để nghe kỹ hơn, nhớ lâu hơn. Có khi chỉ vài dòng ngắn ngủi, nhưng đủ để giữ lại một khoảnh khắc.
|
Giờ đây, sau hơn hai năm làm báo, tôi đã quen với cách tác nghiệp kiểu mới. Đi công tác, chỉ cần mang theo điện thoại là đủ. Ghi âm, chụp ảnh, và cả viết bài, tất cả gói gọn trong một thiết bị nhỏ.
Tiện thật. Nhưng đôi khi tôi thấy quên mất cảm giác được cầm bút viết ra từng dòng. Có lần, sau một chuyến đi cơ sở, tôi ngồi vào bàn làm việc, mở máy tính định viết bài thì ánh mắt chạm vào cuốn sổ tay nằm yên nơi góc bàn. Lật từng trang giấy, tôi thấy lại những dòng chữ mình ghi vội, những tên người, địa danh, vài câu nói đầy cảm xúc. Bất giác tôi tự hỏi: Phải chăng không chỉ nghề báo đang thay đổi, mà chính tôi cũng đang thay đổi?
Dạo gần đây, khi viết bài, tôi thường bật lại file ghi âm, tua đi tua lại để tìm chi tiết, dò lại lời nhân vật. Nhưng nhiều khi, thứ tôi nghe được chỉ là giọng nói, còn cảm xúc thì tôi đã không kịp giữ lại lúc rời hiện trường. Có lẽ vì mình đi nhanh quá, viết vội quá, nên chữ chưa kịp “thấm”. Tôi nhớ cảm giác năm nào, khi vừa rời khỏi hiện trường là đã mở sổ ra viết vài dòng, không để trôi mất điều vừa nghe, vừa thấy, vừa cảm nhận.
Tôi đem chuyện này kể với một người bạn. Bạn ấy làm ở một tờ báo lớn, rất giỏi và năng động. Bạn nói: “Cậu cứ yên tâm đi, bây giờ làm báo càng nhanh càng tốt. Không chỉ viết hay mà còn phải biết chia sẻ bài viết lên mạng xã hội, biết cách truyền thông để tăng lượt tương tác nữa cơ”. Tôi gật đầu. Thời nay, ai cũng cầm điện thoại, cập nhật thông tin liên tục, chia sẻ cũng nhanh. Làm báo mà không bắt kịp công nghệ, không biết cách lan tỏa nội dung thì dễ bị tụt lại phía sau.
Nhưng tôi cũng tin rằng, cái cốt lõi của nghề báo thì vẫn thế: Trung thực, trách nhiệm và viết bằng trái tim. Công nghệ là công cụ, không thể thay thế cảm xúc và sự tỉnh táo của người viết. Nhanh là tốt, nhưng nhanh mà sai thì hậu quả không nhỏ.
Tôi được nghe một nhà báo kỳ cựu chia sẻ: Làm báo muốn trụ vững được trong thời đại công nghệ số, có tiếng nói trong làng báo, đòi hỏi mỗi phóng viên không chỉ nhanh nhạy, giỏi công nghệ số, không ngừng học hỏi, biết làm ra các sản phẩm báo chí khác nhau để cung cấp thông tin trên báo, các nền tảng mạng xã hội mà còn đòi hỏi phải giữ mình phải luôn trung thực với nghề. Thông tin nhanh, hay, nhưng thiếu tính trung thực, không định hướng dư luận thì người làm báo khó tồn tại với nghề và khó có “chỗ đứng” trong làng báo.
Hơn 2 năm làm báo chưa phải là dài, nhưng đã cho tôi thấy nghề này không chỉ đơn thuần là đi hiện trường, viết bài rồi gửi về tòa soạn. Mỗi lần gặp gỡ người dân, lắng nghe họ kể chuyện, chứng kiến một vùng quê đang đổi thay từng ngày, hay ngồi gõ lại từng câu chữ đều là những lần học thêm điều gì đó. Có lúc hồi hộp chờ bài mình lên trang. Có lúc lại ngồi lặng im tự hỏi: Mình viết như thế đã đúng, đã đủ chưa? Có giúp được gì cho ai không?
Nhất là khi làm báo ở địa phương, nơi mọi chuyện đều gần gũi, rất đời thường, rất thật. Nếu mình chỉ nhìn lướt qua, nghe qua loa, thì dễ lắm sẽ bỏ sót những điều đáng quý. Mà đôi khi, cái hay, cái đẹp lại nằm ở những chuyện nhỏ tưởng chừng chẳng ai để ý.
Công nghệ sẽ còn tiến xa, nghề báo chắc chắn sẽ còn thay đổi. Nhưng tôi nghĩ, có những giá trị nhất định phải giữ đó là sự trung thực, là thái độ biết lắng nghe, là sự tôn trọng người mình viết về. Và đôi khi, chỉ là một cuốn sổ tay cũ nằm yên ở góc bàn như một lời nhắc mình nhớ rằng, viết báo không chỉ để nhanh, mà để gửi vào từng con chữ những điều chân thật và có ý nghĩa.
Nêl Êban