Vang mãi mùa Thu
Mùa Thu - mùa của thi ca. Nhưng hơn cả, mùa Thu còn gắn với mốc son chói ngời của lịch sử dân tộc: Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Trong sắc thu vàng cách đây 76 năm - từ đồng bằng đến miền núi, từ Bắc vào Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Việt Minh, dân tộc ta đã vùng lên lật đổ ách đô hộ của thực dân Pháp, thu giang sơn về một mối. Để rồi đến ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc trịnh trọng tuyên bố với toàn thể nhân dân Việt Nam và thế giới bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại hàng ngàn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân của một nước độc lập, làm chủ vận mệnh mình, viết tiếp những trang sử sáng ngời của dân tộc.
Những bậc tiền bối – những tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng lãnh đạo nhân dân đứng lên giành độc lập năm xưa, phần lớn đã thành người thiên cổ. Là lớp cháu con, chúng ta không được phép quên và muôn đời không thể nào quên công lao to lớn của lớp cán bộ, đảng viên, Mặt trận Việt Minh trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, lãnh đạo cách mạng dân tộc, không quản ngại hy sinh xương máu để làm nên Cách mạng Tháng Tám.
|
Trong ngày thu, bồi hồi nhớ lại những trang sử hào hùng năm xưa, bà Y Xuôi – nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chia sẻ, không có Cách mạng Tháng Tám, người dân Kon Tum nói riêng và cả dân tộc ta nói chung không có được cuộc sống tốt đẹp như ngày nay. Ngày trước, ở Kon Tum đâu đâu cũng rừng, đường sá đi lại rất khó khăn, chủ yếu là đường mòn. Các dân tộc ở tỉnh chỉ sống quây quần trong những cộng đồng làng, ít có điều kiện giao lưu với bên ngoài. Phần lớn người dân đều mù chữ, cuộc sống lạc hậu. Dưới ách kìm kẹp của thực dân, đế quốc, người dân bị bắt đi xâu, đi lính, cuộc sống vô cùng cực khổ.
Trong dòng hồi ức, bà Y Xuôi nhớ lại, bản thân mình từ một cô bé vùng quê héo lánh ở làng Kon Prong, xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà) không biết chữ, không biết gì về cách mạng. Được cán bộ cách mạng giác ngộ, dìu dắt, bà cũng như nhiều người được đưa ra Bắc học mới có điều kiện trưởng thành và về lại Tây Nguyên công tác, góp phần vào sự nghiệp chung của cách mạng.
Từ Cách mạng Tháng Tám và theo dòng chảy của lịch sử, nhờ có Đảng dẫn dắt và cùng với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, đất nước ta mới có được cơ đồ như ngày nay. Từ một nước nghèo và lạc hậu phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh thảm khốc, nhưng dân tộc Việt Nam đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi) vươn lên tiến kịp bạn bè và trở thành một nước có thu nhập trung bình trên thế giới.
Trên mọi nẻo đường từ Nam ra Bắc, từ đồng bằng lên miền núi, ở đâu chúng ta cũng thấy sự khởi sắc theo từng ngày. Các nhà máy mọc lên ngày càng nhiều, phố xá sầm uất và mở rộng; đường sá nông thôn được bê tông, láng nhựa... nhiều nơi không khác gì thị thành.
Trong hào khí của sắc thu nay, cùng với nhiều nơi trên thế giới, cả nước phải tập trung cho “cuộc chiến” với đại dịch Covid-19, nhiều lực lượng trên tuyến đầu, nhiều đoàn quân phải vào vùng tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch. Dẫu khó khăn vất vả, nhưng chúng ta vẫn thấy ở họ ngời lên niềm tin chiến thắng, ngời lên tinh thần “thương người như thể thương thân”, ngời niềm tin của sự yêu thương và chia sẻ. Đó là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc mỗi khi Tổ quốc phải đương đầu với thiên tai địch họa.
Thật cảm động, trong những ngày qua, xem truyền hình và các báo, chúng ta thấy hình ảnh các anh bộ đội không ngại nguy hiểm đi mọi ngóc ngách để động viên nhân dân yên tâm thực hiện các biện pháp chống dịch, phân phát lương thực, thực phẩm cho từng hộ dân, người tạm trú đang thực hiện giãn cách xã hội; các cán bộ, nhân viên y tế không ngại hiểm nguy, tận tâm xét nghiệm, chăm sóc và giành lại sự sống cho người mắc bệnh Covid-19.
Không chỉ tập trung cho chống dịch, cả nước còn tập trung bảo đảm cho sản xuất và kinh tế phát triển.
Từ hào khí của Cách mạng Tháng Tám năm xưa và cuộc ra quân chống dịch hôm nay, chúng ta nhận thấy, càng trong khó khăn gian khổ, những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam lại ngời sáng. Phát huy hào khí Cách mạng Tháng Tám, phát huy truyền thống đại đoàn kết, Việt Nam sẽ vượt qua đại dịch, đưa cuộc sống trở lại “bình thường mới”, bảo đảm những điều kiện cho đất nước phát triển mạnh hơn trong thời gian đến.
Văn Nhiên