Xúc động, tự hào và biết ơn
Năm nay, dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước càng trở nên đặc biệt và thiêng liêng hơn bao giờ hết. Xúc động, tự hào và biết ơn là những cảm xúc bao trùm không chỉ tại buổi lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành được Đảng, Nhà nước tổ chức long trọng vào sáng 30/4 mà còn lan tỏa trên mọi nẻo đường, từng ngôi nhà, góc phố, qua màn ảnh nhỏ và trên không gian mạng.
|
Những ngày này, sắc cờ đỏ sao vàng và cờ búa liềm rực rỡ phủ kín khắp các nẻo đường, tung bay trước mỗi mái nhà, in đậm trên ngực áo – như một bản hòa ca rực lửa của niềm tin và lý tưởng. Các chương trình truyền hình trực tiếp, các hoạt động kỷ niệm thu hút lượng người xem và chia sẻ đông đảo, không chỉ vì quy mô hoành tráng mà còn vì mỗi người dân Việt Nam đều mang trong tim mình một phần ký ức, sự biết ơn đối với những người đã hy sinh để đất nước liền một dải. Ai cũng trào dâng niềm xúc động, tự hào và biết ơn.
Để có hòa bình hôm nay, biết bao thế hệ thanh niên lên đường ra trận, gửi lại sau lưng tuổi trẻ, gia đình và những ước mơ dang dở. Hàng triệu chiến sĩ đã ngã xuống, không được thấy Sài Gòn lúc rạng đông, không kịp chứng kiến bình minh lịch sử. Liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng là một trong hàng triệu người con như thế.
Liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng (quê Hà Nội), hy sinh tại Kon Tum vào tháng 4 năm 1970 khi mới tròn 20 tuổi. Lá thư cuối cùng anh viết gửi về cho gia đình được công bố trong Chương trình Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã chạm tới trái tim nhiều người.
Anh viết, đất Kon Tum ngày 12/4/1970. Bố mẹ thương nhớ nhất của con. Mùa mưa năm nay tới với miền rừng của đất nam này sớm hơn mọi năm. Mưa gió và rét càng làm cho cuộc sống của người lính chiến đã gian khổ lại càng thêm điêu đứng với quái ác của thiên nhiên. Ngày hôm qua chúng con vừa qua khỏi cánh rừng trú quân cũ, thì B52 ném bom vào đúng chỗ đó. Ở nhà có lẽ bố mẹ không thể hình dung cảnh tượng đó đâu. Trước đây qua đất Lào, chúng con cũng đã được chứng kiến tận mắt những người lính của đơn vị trước vĩnh viễn bỏ xác tại nơi đất khách, quê người và ngày hôm nay được đặt chân lên đất mình chúng con vẫn thấy thoải mái hơn. Đi trên con đường đầy chông gai nhưng vô cùng vinh quang và tự hào. Một cuộc đọ kiếm gay go với thần chết, chắc rằng nỗi lo âu của gia đình sẽ nhiều hơn nhưng ở nhà cứ yên tâm và tin tưởng vào con. Tất cả anh chị và các em hãy động viên bố mẹ, đừng để bố mẹ buồn và giờ đây em dám tin rằng không ai hiểu được sâu sắc nhất nỗi lòng của bố mẹ bằng em đâu.
|
Lời tâm sự ấy làm tôi nhớ tới chia sẻ của Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Lang (Quảng Nam): “Ngày ấy chiến tranh ác liệt, để con đi thì tôi dễ mất con, nhưng giữ con lại thì mất nước”. Một sự lựa chọn của lòng yêu nước và là tâm niệm của biết bao bà mẹ Việt Nam, biết mất mát và hy sinh nhưng hơn hết là hòa bình, thống nhất non sông.
Tại buổi diễu binh, diễu hành trọng thể năm nay, khối các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, nhân chứng lịch sử và khối Cựu chiến binh nhận được sự quan tâm đặc biệt từ người dân.
Dẫn đầu đội hình diễu hành là khối các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động và nhân chứng lịch sử đại diện cho 63 tỉnh, thành. Đây là những tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, với những chiến công mãi mãi được khắc ghi mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đưa cuộc đấu tranh trường kỳ của dân tộc ta đến thắng lợi cuối cùng.
Tiếp theo là khối Cựu chiến binh. Đây là khối duy nhất không cần đi đều, chỉ cần đi đủ. Tay có thể không đều, chân có thể không vững nhưng trong mắt của toàn dân Việt Nam thì đây là khối đẹp nhất, mong muốn được xem nhất trong ngày 30/4, bởi đôi tay, đôi chân ấy đã đem lại hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc.
Những ngày này, nhiều người truyền nhau bức ảnh và câu chuyện về ông Trần Văn Thanh, 77 tuổi tự chạy xe máy từ Nghệ An vào Thành phố Hồ Chí Minh để xem lễ diễu binh mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông bảo, chọn đi xe máy vì muốn được chạm tay vào lịch sử, được sống lại tinh thần của ngày đại thắng. Năm 1968, ông chiến đấu ở Quảng Trị, nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống nằm lại với nơi đây. Ông tự đi xe máy vừa để thắp hương cho đồng đội, vừa để chứng kiến sự đổi thay của đất nước sau 50 năm hòa bình. Ông cứ nhằm thẳng về miền Nam mà đi bởi mọi thứ đã ở trong tim, chính ông cùng đồng đội đã vẽ nên bản đồ đất nước.
Giữa dòng người nô nức dự lễ, hình ảnh cụ ông 98 tuổi không còn nhớ chính xác ngày sinh của mình nhưng lại nhớ rất rõ ngày thống nhất đất nước, ngày Bắc Nam sum họp một nhà. Trên ngực ông là những huân chương lấp lánh, minh chứng sống cho bao lần “vào sinh ra tử” góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân lịch sử.
Hay hình ảnh người cựu chiến binh đứng giữa quảng trường, tay cầm lá cờ, giọng run run gọi lớn: “Đồng đội ơi! Đất nước mình thống nhất 50 năm rồi, giờ con cháu mình xây dựng đẹp lắm, các đồng chí có thấy không!”. Đó không chỉ là lời gọi đồng đội mà còn là lời báo công, là sự khẳng định rằng sự hy sinh ấy không vô ích, đất nước đã hồi sinh, vươn lên mạnh mẽ sau chiến tranh.
50 năm - Non sông liền một dải. Hòa vào niềm vui của dân tộc, hòa vào ngày hội lớn của non sông, chúng ta cùng nhìn lại những mất mát, hi sinh của thế hệ cha anh đi trước, từ đó trân trọng hơn giá trị của hòa bình.
Hòa bình không tự nhiên mà có, mà được đánh đổi bằng sự hi sinh của lớp lớp thế hệ người dân Việt Nam, để Tổ quốc ca khúc khải hoàn. Chúng ta hãy cùng viết tiếp câu chuyện hòa bình ấy bằng hành động cụ thể, bằng trách nhiệm, lòng yêu nước và bằng sự tri ân sâu sắc tới những người đã đi qua chiến tranh, để hôm nay đất nước nở hoa.
Dương Nương