Cò đất - “bật mí” vài “bí mật” - Bài 2: Chuyện kể của “cò đất”
Làm cò đất có khó không? Câu trả lời từ thực tế là “không”. Do tự phát, không có chứng chỉ hành nghề, không bị quản lý, nên chỉ cần là người khéo ăn khéo nói, đều có thể làm… cò đất- Xệ khẳng định.
“Cò không chuyên” và “cò chuyên”
Theo Xệ, trong giới cò đất cũng có phân ra “cò chuyên” và “cò không chuyên”. Cò không chuyên là những người gặp “mối” thì làm cho vui; hoặc được người quen nhờ giới thiệu với bạn bè, hoặc nhờ rao bán trên mạng xã hội.
Cò “chuyên nghiệp” thì rõ rồi, họ chỉ tập trung thời gian, công sức vào một công việc duy nhất là kiếm đất để môi giới.
Cách tìm “nguồn hàng” cũng rất đa dạng. Có thể qua các mối quan hệ xã hội, được giới thiệu qua bạn bè, người thân, qua mạng xã hội, thậm chí là từ chính những cò đất khác.
Một cách làm đang khá phổ biến hiện nay là “cò đất” cất công lượn lờ khắp các vùng đang “sốt đất”, đang có nhiều hoạt động giao dịch để săn.
|
Nếu thấy ở đâu có cắm bảng bán đất, sẽ lấy số điện thoại, sau đó gọi cho chủ đất đề nghị được… bán giúp. Nếu chủ đất đồng ý sẽ thỏa thuận giá chào bán, mức hoa hồng và nhiều chi tiết khác.
Bạn không tin ư? Hãy thử lộ ra thông tin bạn muốn bán một lô đất mà xem. Chẳng mấy chốc sẽ có cả đội quân “cò đất” liên hệ với bạn, quấy rầy bạn suốt ngày đêm.
Tuy nhiên, trên thực tế, hỏi là hỏi cho vui vậy thôi, dù chủ đất đồng ý hay không thì thời gian sau, thông tin bán đất đã lan truyền trên các hội nhóm mua bán đất rồi.
Điều này thì tôi đã được chứng kiến. Bởi có một số “cò đất” liên hệ với V.- chú em họ tôi- đề nghị được rao bán đất giúp. Do đã nhờ cò Xệ, nên V. không đồng ý.
Nhưng chỉ ít lâu sau, Xệ gọi điện thoại trách “sao đã nhờ em bán giùm, lại còn qua người khác nữa” và chuyển thông tin đăng trên một nhóm chuyên mua bán đất đai. Lúc này V. mới té ngửa khi thấy thông tin rất chi tiết về lô đất kèm theo giá “ảo”.
Cò đất “chuyên nghiệp” ít khi làm ăn mảnh, mà liên kết với nhau thành hội, nhóm, có “đại bản doanh” đàng hoàng. Tác dụng của hội, nhóm rõ nhất là ở việc “chơi hội đồng”, hay “bỏ bom” chủ đất “rắn”.
Chuyện giành giật khách giữa “cò” với “cò”, giữa nhóm “cò” này với nhóm “cò” khác cũng không phải là hiếm. Trong một lần V. đang thăm đất, chợt thanh niên chạy xe Sh đến làm quen và hỏi thăm có phải bán đất hay không? Giá bán thế nào?
Do đang sốt ruột, nên V. có nói giá, thanh niên chụp ảnh lô đất, phán một câu “để em giúp”, rồi bỏ đi. Tưởng nói cho vui, ai ngờ mấy hôm sau thanh niên kia gọi điện nói đã tìm được khách mua, nhưng phải giảm giá, nếu đồng ý thì đi xem đất, nhận cọc.
Khi nghe V. nói đang nhờ “cò” khác, H. liên tục gọi điện thoại chửi chú em tôi với những lời lẽ rất khó nghe. Chỉ đến khi biết chú em làm ở cơ quan bảo vệ pháp luật thì cò H. mới hết hồn, lặn không sủi tăm.
Biết chuyện, “cò” Xệ cáu lắm, đòi đi gặp “cò” H. làm cho ra chuyện. Chúng tôi phải can ngăn mãi.
“Bật mí” những chiêu trò “bí mật”
Quả thật, để thu được lợi ích, giới “cò đất” có nhiều mánh khóe, chiêu trò. Chỉ cần thiếu cảnh giác, người mua lẫn người bán đều có thể dính bẫy.
Đối với người bán, một chiêu quen thuộc mà “cò đất” hay dùng là, khi không thỏa thuận được với chủ đất, sẽ đăng tải rộng rãi thông tin bán đất trên nhóm và facebook, zalo nhưng với giá thấp hơn nhiều so với giá trị lô đất và giá mong muốn của chủ đất nhằm mục đích làm nhiễu thông tin, gây khó khăn cho chủ đất.
Bên cạnh đó, nhóm cò sẽ “ra tay”, và khi ấy, chủ đất liên tục nhận được những cú điện thoại liên hệ mua đất, đề nghị dẫn đi xem đất, nhưng sau đó trả giá thấp, khiến chủ đất khó mà bán được.
Nếu chủ đất có cắm bảng bán đất, thì tấm bảng ấy cũng sẽ không cánh mà bay trong một… nốt nhạc.
|
Như lô đất của chú em tôi, đã bị cò H. đăng trên nhóm mua bán đất Kon Tum với giá chỉ bằng 2/3 giá mong muốn. Và hàng tháng trời không thể bán được, dù khá đông khách hỏi.
Còn với người mua, các “cò đất” cũng có đủ chiêu để dụ khác chốt giá, xuống tiền đặt cọc mà chưa kịp suy nghĩ kỹ; hoặc gài bẫy để nâng giá, kiếm lợi từ chênh lệch.
Giới thiệu gian dối về vị trí đất là một chiêu “cò đất” thường dùng. Chị Oanh (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) muốn tìm mua một lô đất ở vùng ven. Cò H. giới thiệu lô đất ở xã Đăk Rơ Wa “giá rẻ, vị trí đẹp, gần UBND xã, sát đường nhựa”, và cho biết nhiều người thích lô đất này, nếu chị muốn mua thì nên đặt cọc ngay kẻo lỡ.
Khi chị Oanh đòi xem đất rồi mới đặt cọc, thì cò H. hẹn sắp xếp thời gian dẫn đi. Nhưng vài ngày sau thì thông báo chủ đất đã bán cho người khác. Chị Oanh tìm đến lô đất trên theo bìa đỏ thì biết nằm cách trung tâm xã Đăk Rơ Wa gần 2km, đường đất.
Không ít người mua còn dính bẫy tạo sốt giá giả của “cò đất”. Khi khách xem đất và còn ngập ngừng về giá, thì những “cò” khác cùng nhóm luôn tục gọi điện cho chủ đất đôn giá, nhưng không mua. Do tâm lý nôn nóng, khách hàng dễ “cắn câu”, vội vàng chốt giá vì lo sẽ tăng tiếp, mà không hề biết đã dính bẫy.
Ngoài ra, “cò đất” thường báo giá đất rất mập mờ, kiểu “từ 500 triệu…” hay “5xxx”, và “xxx” có thể từ trên 500 triệu đến dưới 600 triệu, khách mua trả kiểu gì cũng dính.
Đặc biệt, “mời” khách hàng “ăn bánh vẽ” là một “chiêu độc”. Chỉ cần nghe phong thanh ở đâu chuẩn bị có dự án đầu tư hạ tầng, thì giới “cò đất” sẽ tập trung mời chào, rao bán với nhiều tiện ích hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng. Nhưng trên thực tế thì những tiện ích đó lại chỉ nằm trong quy hoạch và không biết bao giờ mới thành hiện thực được.
Hồng Lam