• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn gặp gỡ, đối thoại với thanh niên    UBND tỉnh và Tập đoàn Viettel ký kết Thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số    Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hòa thăm, tặng hoa Tỉnh đoàn    Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tặng cờ Tổ quốc tại huyện Ngọc Hồi    Chương trình cà phê doanh nghiệp, doanh nhân tháng 3   

Tòa soạn & Bạn đọc

  • Nhịp cầu bạn đọc

Có một mùa hoa bưởi

05/03/2023 13:22

Đêm nay, có người chong đèn ngồi lật những trang sổ tay đã úa vàng, bồi hồi đọc từng dòng thơ đã nhòe theo năm tháng mà bần thần. “Tháng Ba về mưa phùn lất phất rơi/ Em ra đi không nói lời từ giã/Hoa bưởi rơi trắng sân nhà lã chã/Nỗi sầu vương nhuộm tím cả hoa xoan”.

Sáng nay, hắn chạy xe lang thang trên nhiều con phố. Tiết trời khô lạnh, gió chồm trên những tán cây. Ngang qua một ngôi nhà nhỏ rợp bóng cây, hắn dừng lại, bởi chợt thấy giữa quầng bông giấy đỏ rực xuất hiện một chùm trắng thanh tao, tinh khiết. Hoa bưởi đấy.

Hắn nhìn kỹ hơn thì phát hiện một gốc bưởi khép mình khiêm tốn ở góc vườn vươn cành ra vỉa hè, đang bắt đầu nở hoa. 

Vậy là một mùa hoa bưởi lại về!

Ngắm nhìn những đốm trắng ấy hắn thấy lòng nhẹ nhõm giữa nắng gió, lòng rộn lên niềm thương nhớ về tuổi ấu thơ ở quê nhà đã xa lắc xa lơ. Thì ra, bấy lâu nay, niềm thương nhớ ấy cứ bị hắn giấu thật sâu, bằng công việc, bằng hỉ nộ thường ngày.

Nhưng thương nhớ kì lạ lắm. Có những chuyện rất lớn lao, những kỷ niệm tưởng chừng rất sâu đậm, ấy vậy mà khi ta cố nhớ lại, cố mường tượng về nó, mà không hiểu tại sao cứ lu mờ như thể chìm đắm trong khói sương. Có những kỉ niệm rất bé nhỏ, rất tầm thường, chỉ cần chút gì gợi lại, nó sẽ hiện ra rõ rệt, không sai một ly trong trí óc.

Như hôm nay vậy, chỉ cần nhìn thấy cành bưởi vươn ra, chúm chím nụ trắng tinh như mỡ đông, là hắn nhớ về gốc bưởi còn nhiều tuổi hơn hắn trong vườn nhà.

Mùa hoa bưởi. Ảnh: HL

 

Cây bưởi ấy lặng lẽ nơi góc vườn. Thường ngày, nó chỉ được nhắc đến mỗi khi mẹ cần lá bưởi để xông, chị gái cần lá bưởi để gọi đầu, hay gai bưởi để khêu ốc.

Nhưng cuối tháng 2, đầu tháng 3 (dương lịch), khi tháng Giêng vừa đi qua, thì cây bưởi già nua ấy dường như trẻ lại, lá xanh mỡ màng vươn lên trong mưa xuân lất phất.

Không biết đã ấp ủ từ khi nào mà gần như chỉ trong vài đêm, những đầu cành bắt đầu đơm nụ. Ban đầu nhỏ li ti, rồi lớn nhanh như thổi, chỉ ít ngày đã lấp ló màu trắng tinh sau lớp “áo” xanh.

Rồi khi những cơn mưa ẩm ướt giăng mắc như tơ trời xuất hiện nhiều hơn thì hoa bưởi đua nhau nở. Cánh trắng nhụy vàng, hương thơm thuần khiết, e ấp, nhẹ nhàng mà lan khắp vườn.

Những buổi chiều đi học về, chị em hắn và mấy đứa bạn hàng xóm thường tụ tập chơi dưới gốc bưởi. Trong khi hắn ngồi dựa gốc cây đọc sách thì hội con gái nhặt hoa bưởi rụng cài lên tóc, tước dây chuối xâu hoa thành chuỗi vòng đeo cổ.

Mẹ nói, hoa bưởi có mùi thơm nhẹ và khá lành tính nên thường được sử dụng để làm hương liệu, tinh dầu hoặc sử dụng làm thuốc trong y học cổ truyền. Hắn thường thấy mẹ sử dụng hoa bưởi khi chế biến một số món ăn, như  mía ướp hoa bưởi, sắn dây ướp hoa bưởi.

Nhưng hoa bưởi được mẹ sử dụng nhiều nhất là để ướp trà. Chị em hắn thường được giao nhiệm vụ nhặt hoa bưởi rụng kín gốc mỗi buổi sáng, bỏ phần nhụy vàng, rồi tách các cánh hoa ra.

Sau đó, mẹ lấy giấy bản lót một lớp phía trong cái vò nhỏ để hút bớt ẩm cho trà, lần lượt rải một lớp trà mỏng sau đó đến một lớp hoa bưởi mỏng cho đến khi hết hoa hoặc trà. Cuối cùng, phủ một lớp giấy bản lên trên rồi lấy lá chuối khô bịt lại.

Thường thì một mẻ trà bưởi được ướp khoảng 8-10 tiếng, cứ khoảng 3 tiếng mẹ đảo trà lên để bay bớt hơi ẩm. Đủ thời gian, mẹ đổ ra, sàng hết cánh hoa, nhặt cánh hoa vụn ra khỏi trà và bắt đầu rang khô, rồi rải đều trà lên giấy bản thành một lớp mỏng cho đến khi trà nguội, sau đó cất trà vào trong hũ để dùng dần.

Cách pha trà hoa bưởi dù không cầu kỳ nhưng muốn “đúng vị” cũng phải có “chiêu” riêng. Đó là chỉ hãm trà trong 10-15 giây mỗi lần rồi rót hết trà trong ấm ra chén. Không được ngâm trà, vì khi ngâm trà nước trà sẽ gắt và hương trà bị nồng.

Ngày trước, mỗi lần pha trà, bố tôi cũng cho thêm vài cánh hoa bưởi tươi vào trà  để tăng thêm hương vị.

Rồi theo mùa hoa, chúng tôi lớn dần. Cô bạn hàng xóm học chung lớp thôi không nhặt hoa bưởi cài tóc hay làm vòng cổ nữa mà thường ngồi lặng lẽ dưới gốc cây, thỉnh thoảng hái ”trộm” vài bông mới nở trên cành đem về gói trong khăn tay để lên bàn học. Mùi hương thoang thoảng như nói những điều thầm kín.

Một buổi chiều, dưới gốc bưởi cổ thụ đang chúm chím những nụ trắng tinh khôi, hắn nắn nót chép vào trang đầu của cuốn sổ tay: “Tháng Ba về mưa phùn lất phất rơi/ Em ra đi không nói lời từ giã/Hoa bưởi rơi trắng sân nhà lã chã/Nỗi sầu vương nhuộm tím cả hoa xoan”.

Cô bạn học ngồi bên cạnh cười khúc khích “cái gì mà ủy mị, sướt mướt vậy kìa. Con trai học văn có khác”. Gió hây hây thổi tung mái tóc dài thơm mùi hoa bưởi, có mấy sợi cọ vào má hắn nhồn nhột. Những cánh hoa bưởi rụng xuống, đậu trên tóc, trên bờ vai tròn trĩnh của cô.

Đẹp quá. Hắn thốt lên. Cái gì đẹp- cô bạn ngạc nhiên hỏi. Hắn giật mình, nhưng im lặng. Đẹp đến nỗi hắn không dám nói gì, vì sợ như hư ảo, sẽ tan biến.

Ít ngày sau, cô bạn học theo cha mẹ chuyển vào Nam sinh sống. Hôm ấy, hắn không dám tặng cuốn sổ tay cho cô, mà giấu dưới gốc bưởi.

Mối liên hệ thưa dần theo năm tháng rồi ngừng hẳn. Chỉ có gốc bưởi cổ thụ vẫn đều đặn nở hoa mỗi năm. Những cánh hoa trắng tinh vẫn rung rinh dưới mưa xuân, nhưng không còn bóng dáng người xưa cũ “hái trộm” hoa gói vào khăn tay.

Mấy năm sau, hắn cũng rời quê nhà vào Tây Nguyên tìm việc, trong hành trang có cuốn sổ cũ kỹ kia. Để lại phía sau hình ảnh đẹp như mộng về một mùa hoa bưởi không như những mùa hoa bưởi khác. 

Ký ức về cuốn sổ và những câu thơ tưởng đã lạc mất đâu đó trong tâm trí, dưới tầng tầng ký ức khác, chiều nay bỗng sống lại, chỉ vì những bông bưởi trắng chúm chím cười trong gió xuân trên phố chiều nay.

Bây giờ ngồi nghĩ lại những hình ảnh xa xưa, hắn lại thấy đời ngọt ngào như có vị đường. Và thêm quyến luyến cành bưởi đang lấm tấm hoa ở góc phố kia.

Ở đây không có những ngày mưa phùn, không có gió bấc hiu thổi, mà nắng hừng hực và gió phóng túng, nhưng vẫn có hương hoa bưởi thơm phảng phất khiến lòng người bất chợt rưng rưng.

Một mùa hoa bưởi về! 

HỒNG LAM

   

Các tin khác

  • Hạnh phúc ở đâu?
  • Hương lúa
  • Tổ quốc gọi tên mình
  • Biên cương thao thức
  • Rét lộc tháng Hai
  • Giữ nét duyên dáng áo dài
  • Cơm của má
  • Ngày Thầy thuốc
  • Bạn cũ
  • Nồng ấm dầu cù là
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • Dưới mặt đất hiền lành - Bài 1: “Tử thần” rình rập
  • Đẩy mạnh cho vay tín dụng theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ
  • Tu Mơ Rông: Triển khai các biện pháp bảo vệ sâm Ngọc Linh hạn chế thiệt hại do mưa đá gây ra
  • Bế mạc Hội thao Kỷ niệm ngày truyền thống ngành Thể dục thể thao
  • Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc
  • Lực lượng xung kích đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
  • Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tổ chức Kỳ họp lần thứ 16
  • Hai cháu nhỏ tử vong do đuối nước

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • Chùm ảnh: Xanh mát giữa nắng tháng Ba
  • “Điểm tựa” của làng
  • Đam mê với sản phẩm OCOP
  • Chùm ảnh: Người Gia Rai gìn giữ nghề dệt truyền thống

Đất & Người Kon Tum

  • Độc đáo “hơ gọ” của người Xơ Đăng
  • Rong ruổi trên hành trình đến với các thôn làng, một lần, tôi được bà con Xơ Đăng ở làng Đăk Tăng (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) chiêu đãi món “hơ gọ”- tức nõn chuối nấu thịt gác bếp. Dù chỉ một lần thưởng thức, nhưng món ăn độc đáo ấy đã để lại trong tôi những dư vị khó quên.
  • Nghệ nhân nặng lòng với văn hóa dân gian
  • Lớp học đàn t’rưng bên cầu Kon Klor
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Tổng Biên tập: Nguyễn Mạnh Hồng
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 281 Thi Sách, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by