Đứa trẻ bị bỏ rơi
Tiếng khóc yếu ớt của đứa trẻ trong đêm mưa lạnh bị bỏ rơi trước cổng chùa đã lay động đến người phụ nữ, khiến bà dừng bước. Bà cúi xuống, ôm lấy sinh linh bé nhỏ vào lòng như thể ôm cả một định mệnh. Năm tháng trôi qua, đứa trẻ bị bỏ rơi ngày nào nay đã trưởng thành, nhưng những ước mơ và dự định cùng mẹ của nó mãi mãi không thể thực hiện được.
Nhà nó nằm trong một con ngõ nhỏ của thị trấn miền núi, nơi mùa Hè đầy nắng còn mùa Đông thì gió gầm rít bên thềm. Căn nhà nhỏ lợp ngói cũ kỹ, tường quét vôi đã bong tróc nhiều chỗ, nhưng hiên nhà luôn sạch sẽ và chiếc ghế đá dưới tán xoài là nơi mẹ nó ngồi mỗi buổi chiều.
|
Mẹ nó là người phụ nữ lặng lẽ. Bà hiếm khi thể hiện lời nói ngọt ngào, cũng không thường xuyên ôm nó vào lòng như những bà mẹ khác. Nhưng bà có cách riêng để khiến nó biết mình luôn được yêu thương như bữa cơm hàng ngày mẹ luôn dành những phần ngon cho nó, những hôm bài vở nhiều phải thức đến tận khuya mẹ vẫn thức cùng nó, hay những ngày nó bị đau, cảm sốt mẹ lo lắng suốt đêm thức canh cho nó ngủ.
Tuổi thơ nó không có nhiều bạn. Thiệt thòi hơn là nó không có bố. Nó rất sợ những đứa trẻ cùng lứa hỏi: “Bố mày đâu?” và câu hỏi này tới giờ nó vẫn chưa trả lời cho bất kỳ ai, kể cả bạn thân nó. Mẹ bảo bố mất từ khi nó còn bé xíu. Nó cũng không có bà con thân thích, chỉ có mẹ là người thân duy nhất. Mẹ nó làm mọi việc quần quật cả ngày, từ đi cấy, đi gặt, đến may vá thuê hay phụ hồ vào những ngày nông nhàn để kiếm đồng ra đồng vào nuôi nó ăn học đàng hoàng và bà cũng rất sợ nó thua thiệt bạn bè.
Lớn hơn một chút, nó có suy nghĩ vì sao mẹ sống trầm đến thế. Nó từng nghĩ có lẽ bà từng đau khổ, từng bị phụ bạc, từng trải qua điều gì đó quá khốc liệt nên lòng bà đã hóa đá. Nhưng mỗi lần nó định hỏi, bà lại lảng tránh, chỉ nói nó cố gắng tập trung vào học cho tốt để có tương lai sau này.
Năm cấp III, nó học thuộc dạng giỏi và đậu vào trường nó yêu thích. Mẹ mừng lắm, nhưng chẳng biểu lộ gì nhiều, chỉ dặn dò nó phải cẩn thận nơi đất khách quê người và gói ghém đồ đạc cần thiết cùng với số tiền dành dụm để nó mang lên thành phố trọ học.
Từ đó, mỗi lần về, nó thấy tóc mẹ lại bạc thêm. Cái ghế đá xưa giờ đã rêu phong. Mẹ vẫn ngồi đó vào những buổi chiều, nhưng không còn nhìn ra xa nữa, mà nhìn vào nó, như sợ nó biến mất.
Năm nó hai mươi bảy tuổi, mẹ đổ bệnh, bác sĩ chẩn đoán ung thư gan, phát hiện muộn, nó suy sụp hẳn. Nó bỏ hết công việc, về nhà chăm mẹ. Mỗi ngày đưa mẹ ra ngồi ghế đá, đọc vài trang sách, kể vài chuyện tếu để mẹ cười.
Một buổi chiều, mẹ gọi nó lại. Giọng bà yếu hẳn, run run dặn: Trong tủ có cái hộp gỗ nhỏ, chờ sau khi mẹ đi rồi, con mới được mở ra.
Và rồi, ngày đó cũng tới. Đám tang cho mẹ xong, nó sực nhớ đến chiếc hộp. Chiếc hộp gỗ được mẹ đặt gọn gàng trong ngăn kéo tủ áo, được khóa bởi một ổ khóa nhỏ bằng sắt đã gỉ. Nó dùng kìm bẻ khóa. Bên trong là vài tấm ảnh cũ, một chiếc vòng tay nhỏ xíu bằng bạc đã xỉn màu và một lá thư bị ố vàng.
Nó cầm tấm ảnh đầu tiên, đó là một người phụ nữ còn trẻ bế một đứa bé đỏ hỏn, nhìn kỹ không phải mẹ nó. Nó chưa từng thấy người phụ nữ đó, phía sau ảnh có dòng chữ nghiêng: “Ngày... tháng... năm là ngày sinh ra con, vì hoàn cảnh đặc biệt mẹ không thể nuôi con. Mẹ vô cùng xin lỗi."
Nó xem tiếp chiếc vòng tay bạc. Có khắc hai chữ “An Nhiên”. Không phải tên nó. Chữ khắc này như một lưỡi dao chạm vào điều nó đã luôn nghi ngờ suốt những năm tháng tuổi thơ. Cuối cùng, nó mở lá thư. Là nét chữ của mẹ: “Con gái yêu của mẹ! Nếu con đọc được những dòng chữ này, mẹ đã không còn trên đời này nữa. Có một sự thật mẹ giấu con suốt bao năm qua, mẹ không phải là người sinh ra con, tình cờ mẹ nhặt được con trong một đêm mưa, trước cổng chùa, mẹ thấy con nằm trong một cái giỏ, được bọc trong tấm chăn bông, bên cạnh là chiếc vòng tay bạc, vài tấm hình. Lúc trông thấy con mẹ có cảm giác rất gần gũi, thân thương, cảm giác lúc đó vừa mừng, vừa lo. Lo vì nếu mẹ báo cho chính quyền địa phương biết, sẽ có người đến để nhận lại con, nhưng thật may, con chính là món quà vô giá mà ông trời ban tặng cho mẹ.
Khi đó đã mẹ đã 43 tuổi, sống một mình, không chồng con, không ai thân thích. Mẹ mang con về nuôi, đăng ký khai sinh bằng họ mẹ. Ai cũng nói mẹ điên, nuôi con rơi, con rớt. Nhưng mẹ biết, con là định mệnh của mẹ. Mẹ xin lỗi vì không nói cho con biết nguồn gốc của con, mẹ sợ nếu con biết, con sẽ bỏ mẹ để đi tìm người thân. Và mẹ cũng xin lỗi vì không cho con được một gia đình đầy đủ. Nhưng mẹ đã cố gắng yêu con bằng cả những gì mẹ có.”
Đọc đến đây tim nó quặn đau, nước mắt rơi ướt đẫm những dòng chữ quen thuộc từ lúc nào. Nó ngồi bên chiếc ghế đá, nơi mẹ từng ngồi hàng ngàn lần, thấy lòng trống rỗng. Bao nhiêu năm qua, nó chưa từng cảm thấy khác biệt. Chưa từng thấy mẹ thiếu tình thương, chưa từng nghĩ mình không phải con ruột. Nó đã từng giận mẹ, từng trách mẹ sao không dịu dàng, không âu yếm như những người khác. Nhưng hóa ra... người phụ nữ ấy đã âm thầm gánh cả cuộc đời nó trên đôi vai gầy guộc của bà.
Bây giờ nó hiểu vì sao mẹ không bao giờ để nó thiếu ăn, thiếu mặc, vì sao mẹ từ chối mọi lời mai mối để ở vậy nuôi nó-một đứa trẻ không cùng huyết thống.
|
Nó đứng dậy, đi vào nhà, nhẹ tay đóng lại chiếc hộp gỗ. Gió lùa qua hiên, lay động những tán xoài. Ghế đá vẫn nằm yên đó như thể mẹ còn ngồi đó- lặng lẽ, bền bỉ, chờ nó quay về.
Nó thì thầm, không biết nói với mẹ hay chính mình: “Mẹ ơi, con không biết mình đã đến với thế giới này như thế nào, chỉ biết rằng mẹ đã cho con một mái ấm gia đình, một cuộc sống đầy tình yêu thương. Con không mang trong mình dòng máu của mẹ, nhưng con mang trong tim tình yêu thương vô bờ bến mà mẹ đã trao cho con. Mẹ ơi! Nếu có kiếp sau con nguyện xin được làm con của mẹ lần nữa, mẹ nhé.
GIA THỊNH