Gác bếp ngày mưa
Nhìn cơn mưa đổ xuống như trút mà hắn thở dài. Cả tháng nay mưa liên miên. Mưa lang thang qua những mái ngói nâu trầm, rỉ rả trong từng kẽ hở của thưng ván. Nhà cửa thì ẩm thấp, đường sá thì nhão nhoẹt, những dấu chân chi chít lối đi. Mong mãi chẳng có chút nắng hửng lên mà phơi phóng thức nọ, thức kia. Nhìn bếp lửa hắt ánh hồng tỏa hơi ấm khắp căn nhà, nhìn gác bếp chất đầy bao nhiêu thứ cần hong khô mà hắn thầm biết ơn.
Mùa này, những cơn mưa rừng, mưa núi tầm tã. Mưa nối mưa. Mưa như thối đất, thối cát. Mà lạ thật, càng mưa thì bao nhiêu thứ sản vật núi rừng lại càng thêm mê đắm. Nói đâu xa, ngay mấy vạt le bên bìa rừng đấy, khi những cơn mưa kéo dài thấm ướt cánh rừng thì từ các thân cây le già lại nhú lên những chồi măng non mơn mởn. Măng le này mà hái về luộc lên chấm mắm hay xào, nấu canh, hầm gì đều ngon hết sẩy. Vậy là chẳng nề hà gió mưa, nề hà những cung đường nhão nhoẹt, hắn, bao người làng hắn, tay cầm dao, cuốc nhỏ, tay cầm bao đi hái măng rừng. Chịu khó một vòng là mang về cả bao măng nặng trĩu.
Mà ngặt nỗi, mưa suốt, mưa như trút. Muốn để dành chút măng chẳng thể nào phơi phóng được. Mẹ hắn vốn tảo tần. Bao măng hắn mang về, phần bán cho thương lái, phần ít để lại ăn trong ngày, phần nữa mẹ hắn đem luộc để khử bớt mùi măng rồi lấy lạt xâu thành xâu dài treo lên gác bếp. Chỉ tầm một tuần thôi, những búp măng trắng bắt đầu se lại, khô dần.
|
Nhờ gác bếp mà nhà hắn có măng ăn quanh năm, mùa mưa ăn măng tươi, mùa khô ăn măng khô, đỡ phải lo phần nào chuyện rau, chuyện măng cho bữa cơm cả nhà. Măng gác bếp sậm màu vì ám khói chứ không có màu vàng như phơi nắng. Nào đâu chỉ màu sắc. Măng treo gác bếp bao giờ cũng mang lại cho món ăn mùi khói măng thơm thơm đặc biệt. Đó không hẳn là mùi, cũng không hẳn là vị, nó là tất cả. Mà phải thân thuộc lắm, phải gắn bó lắm với gác bếp ngày mưa như người ở làng hắn mới nhận thấy, mới sinh ghiền. Thành ra, với hắn, đã ăn măng khô cứ phải là măng gác bếp. Măng khô gác bếp đem ngâm nước, luộc qua vài ba lần, rồi có kho, hầm hay xào đều phảng phất vị khói thân thương của bếp lửa nhà sàn.
Gác bếp nhà hắn nào đâu chỉ gác măng. Nhà có thịt con heo, con bò, mẹ hắn chọn phần chắc thớ, rửa sơ qua, rồi để dành treo gác bếp. Vạt bắp bên suối đến mùa thu hái, dùng không hết, mẹ hắn lấy dây lạt buộc lại thành từng túm treo lủng lẳng. Đám lúa, rẫy bắp hay ít hạt bầu hạt bí, mẹ hắn chọn chọn, lựa lựa hạt mẩy, quả ngon để dành giống cho mùa sau, thể nào cũng tỉ mẩn treo bên gác bếp.
Cha hắn khéo tay, giỏi đan lát. Già rồi chẳng theo được việc đồng, việc rẫy, ngồi nhà miết cũng buồn, suốt ngày làm bạn với chuốt nan, đan rổ rá. Vật dụng sinh hoạt hằng ngày nhà hắn chẳng phải mua. Cha hắn đan hết cái này đến cái kia, hoàn thành xong, thể nào cũng đặt lên gác bếp. Có chút hơi khói, hơi lửa, đồ đan từ mây tre chẳng lo mối mọt, dùng mãi vẫn bền lâu.
Ngày dựng lại căn nhà sàn mới, cha hắn làm bếp bên góc nhà và không quên làm cái gác bếp. Không như mấy nhà trong làng chỉ gác tạm lên vài thanh gỗ, cha hắn cẩn thận chọn những cây le già thẳng thớm, xếp đều lên nhau rồi dùng dây mây buộc chặt thành khung hình chữ nhật. Nhà sàn phải có cái gác bếp mới đúng cốt cách, đúng phong vị của nhà sàn, cha hắn bảo vậy.
Mà nào đâu chỉ đúng cốt cách, đúng phong vị. Với người làng hắn, cái gác bếp đơn sơ, ám đen bồ hóng vậy mà được bao việc. Nơi cất trữ của để dành những ngày mưa gió. Nơi làm nên món đặc sản thịt gác bếp trứ danh.
Nói đến món thịt gác bếp, cha hắn kể lại rằng, người làng xưa kia dù có giàu có nhất làng, trâu bò hàng đàn, cồng chiêng quý cả chục bộ cũng làm gì có tủ lạnh, có máy sấy, máy ép để bảo quản thực phẩm như bây giờ. Đi rừng bắt được con thú rừng hay làm thịt con heo, con trâu, con bò, muốn để dành đều để lên gác bếp. Cách làm cũng đơn giản lắm, chọn miếng thịt chắc thớ, rửa sạch rồi treo lên. Nhà nào cầu kỳ hơn thì tẩm ướp thêm chút gia vị. Chỉ vài hôm, thịt bén hơi khói, hơi lửa, khô dần và giữ hương vị rất riêng, vừa ngòn ngọt vị thịt, vừa ngai ngái vị khói. Khi dùng chỉ cần nướng sơ mặt ngoài dính chút bồ hóng, mùi ám khói, chấm với ít muối hạt giã cùng tiêu, ớt. Ngày mưa lành lạnh, có dĩa thịt heo gác bếp xé nhỏ, chuyện cứ nối tiếp chuyện, cả nhà rổn rảng bên bếp lửa hồng, cứ gọi là ăn nhớ, ăn thương.
Tối ngày mưa, cả nhà hắn quây quần sưởi ấm bên bếp lửa. Ánh lửa hồng bập bùng soi rọi từng gương mặt và soi rõ màu lam của làn khói ngoằn ngoèo nhẹ tỏa lên không trung, lên chiếc gác bếp đơn sơ, giản dị. Hắn cảm giác cái gác bếp đơn sơ, đậm màu thời gian, đậm cả màu khói bụi đã được đôi bàn tay gầy guộc của cha, đôi bàn tay tảo tần của mẹ hắn gửi gắm bao nhiêu ước mơ, khát vọng, chất chứa bao nhiêu của để dành cho anh em hắn luôn có những buổi tối quây quần, ấm no, đủ đầy bên bếp lửa hồng.
NGUYÊN PHÚC