• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
Trao tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng cho đảng viên Sô Lây Tăng    Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị    Sơ kết 1 năm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh    Lãnh đạo tỉnh tiếp Tổng lãnh sự Hà Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh    Giao lưu người có uy tín trong đồng bào DTTS dọc tuyến biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia   

Tòa soạn & Bạn đọc

  • Nhịp cầu bạn đọc

Ngày mới ở núi

06/04/2022 13:12

Cuối cùng cũng tới được làng của A Miên. Đồng hồ chỉ 7 giờ tối. Tôi như lả đi sau mấy tiếng đồng hồ đánh vật với con đường dốc lên dốc xuống thăm thẳm; tay chân, mặt mũi tê cóng bởi những cơn gió lạnh băng xộc ra từ hẻm núi sâu.

Vừa thò đầu lên khỏi cầu thang, tôi đã bị kéo tuột vào gần đống lửa cháy rừng rực giữa nhà sàn. Một cái ly nhựa được giúi vào tay: Rượu đấy. Uống đi cho ấm. Một ông già nhìn tôi cười, rồi buông gọn một câu.

Tôi biết ông là A Viên- bố A Miên. Hai cha con giống nhau, nhất là gương mặt có đường nét như tạc, và cách nói chuyện chậm rãi, tiết kiệm từng lời, nhưng đã nói là chắc như dao chém đá. 

Uống thôi. Tôi cố nuốt thứ nước cay nồng và thấy nóng ran trong cổ. Gió lùa ù ù qua vách nhà sàn đan bằng ống lồ ô.

“May hôm nay mày về không có mưa, chỉ gió thôi. Chứ mấy ngày trước có mưa, gió núi mạnh lắm, lạnh từ trong xương lạnh ra”- bố A Miên nói khi rót thêm rượu vào ly nhựa, chuyển cho người ngồi bên cạnh.

Tôi ngó quanh. Có khoảng 6-7 người. Người trẻ nhất chắc cũng tầm tuổi tôi. Đó là anh A Huang, nhà ở bên cạnh- A Miên ghé tai tôi giới thiệu, và trêu: Ở làng, tuổi như anh đã được tự xưng là “ông già” khi nói chuyện với người lạ rồi đấy.

Đêm núi thật yên tĩnh với tiếng củi thông nổ lép bép, tỏa hương thơm nhẹ. Không giống một bữa nhậu thường thấy. Mọi người lầm lì ngồi uống rượu, đôi lúc mới nghe rì rầm nói vài câu.

Khi chiếc ly nhựa “chạy” đến tôi lần thứ hai thì bố A Miên đóng nắp can rượu, thông báo dừng cuộc nhậu. Mọi người ồn ào đồng ý.

Tôi thấy ngạc nhiên!

Vì tôi đã từng dự những bữa rượu thâu đêm ở nhà A Miên. Mà không riêng gì nhà A Miên, ở đây, người người uống rượu, nhà nhà uống rượu. Càng lạnh, càng mưa uống càng lâu, càng nhiều.

A Miên vẫn kể rằng: Ở làng em, khi đến mùa mưa, trời lạnh giá, nhà nhà đóng cửa, chẳng ai muốn ra khỏi nhà đâu. Chỉ cần trong nhà còn có cái để ăn, người già sẽ ở bên bếp lửa nhà mình uống rượu, lũ thanh niên cũng tụ tập uống rượu.

Rượu, khiến đầu óc con người mụ mị, không nghĩ ra được cái hay, cái mới. Không biết làm gì để thoát khỏi đói nghèo. Trồng mì, chủ yếu để ủ rượu; tiền làm ra chủ yếu để mua rượu. 

Rượu, làm cho thanh niên không có khao khát vươn lên. Ngày lên rẫy, tối về túm tụm bên bếp lửa, chẳng biết làm gì, lại lôi rượu ra uống.

Thế nên, tôi mới thấy lạ khi can rượu 5 lít chưa vơi một nửa mà mọi người đã dừng. A Miên nói: Làng, khác rồi. Nay chẳng ai muốn ngồi một chỗ nốc rượu để đời tàn sớm đâu anh.

Đêm càng sâu, lửa bếp càng nồng. Câu chuyện rẽ sang sự đổi thay ở làng lúc nào không hay. Và trong lời kể của ông A Viên, tôi hiểu sâu sắc rằng, ông và dân làng nhận thức rõ về tinh thần hướng đến người nghèo, chăm lo người nghèo rất quyết liệt mà sâu nặng của Đảng, của Nhà nước. 

Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, bản thân dân làng cũng muốn đuổi cái đói, cái nghèo đi, nhất là thanh niên. Giờ nhiều nhà có cà phê, trồng cây dược liệu. Nông sản, dược liệu làm ra, được chính quyền liên hệ với doanh nghiệp vào thu mua với giá ổn định, đem lại thu nhập cao.

Ở làng đã có hộ khá lên từ cà phê, dược liệu, nên những hộ khác cũng chịu khó làm ăn hơn. Cũng không ai muốn mâm cơm hàng ngày của nhà mình chỉ có muối, măng, rau rừng đâu- ông A Viên thủng thẳng nói.

Như A Huang đấy. Ba năm trước còn nghèo nhất làng, con cái nheo nhóc. Nó lại hay uống rượu, không chịu làm ăn gì cả. Thế mà bây giờ thoát nghèo rồi, lại còn “thoát” được rượu nữa- ông A Viên vui vẻ kể. 

Cây cà phê xứ lạnh đem lại cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ dân vùng Đông Trường Sơn. Ảnh: HL

 

Mọi chuyện bắt đầu từ khi A Huang tham gia đề án cà phê xứ lạnh. Không chỉ được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê, mà còn được cấp hơn 2.200 cây giống và các loại phân bón. Với số giống này, A Huang trồng được 5 sào cà phê xứ lạnh, sau đó trồng thêm 5 sào  sâm dây nữa.

A Huang không còn uống nhiều rượu và thoát nghèo. Đó là chuyện vui nhất làng, cũng là tấm gương cho những hộ nghèo khác. Họ nói: Đến A Huang còn hết nghèo rồi đấy.

Khi nghe như vậy, A Huang không tự ái. Cậu ta nói, tôi sợ cái nghèo, và thật sự  muốn thoát nghèo. Đúng là tấm gương tốt- ông A Viên khen. 

Còn nhà mình thế nào ạ? Tôi hỏi vui.

Hơn 4ha đất của nhà em trước chỉ trồng mì, với gieo lúa, nay phần lớn trồng cà phê xứ lạnh, một phần trồng sâm dây, đương quy. Trâu bò thì lùa về nuôi nhốt chứ không thả rông trong rừng nữa”- A Miên nói thay bố.

Nhà A Miên thuộc diện nhiều trâu nhất làng. Trước đây toàn thả trong rừng, lâu lâu vào cho ăn muối để không thành trâu hoang. Ngay cả ông A Viên cũng từng không biết chính xác là nhà mình có bao nhiêu con trâu.

Sáng sớm. Khi tôi tỉnh giấc đã không thấy bố con A Miên đâu cả. Mẹ A Miên nói vọng ra: Pa Miên đi vận động làm đường bê tông rồi. Còn Miên, nó đi xuống xã xin giấy tờ gì đó.

Buổi sáng ở núi đã có chút nắng lên. Tôi đủng đỉnh đi ra con dốc đầu làng, nhìn ra xa. Rừng xanh ngằn ngặt, xanh đến tràn trề, ngút tầm mắt.

Sau lưng tôi là làng. Những mái ngói nâu thẫm nổi lên nền rừng xanh, đẹp như vẽ. Ở đó, đêm qua có cuộc nhậu, rượu được vài ly là mọi người giải tán, chứ không phải đến khuya khoắt mới tàn như trước kia.

Ở đó, có những hộ nghèo tự khắc phục khó khăn, tìm cách vươn lên, chứ không ỷ lại, dựa dẫm vào chính quyền, vào những chính sách ưu đãi.

Đâu cần phải ồn ào, đâu cần phải “đao to búa lớn”, đó chính là thay đổi nếp nghĩ, chính là thay đổi cách làm. Và từ đó, sẽ có nhiều A Huang nữa thoát nghèo.

Chắc chắn rồi!

HỒNG LAM

   

Các tin khác

  • Gặp lại mình trong ước mơ con
  • Vọng về nỗi nhớ tháng 5
  • Mẹ tôi gạt cỏ bước lên
  • Viết trong ngày của mẹ
  • Mẹ tôi
  • Bóng gùi
  • Tháng Tư, nhắc nhớ những ngày
  • Về quê
  • Rộn rã tiếng ve
  • Truyền lửa
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • Ký kết Chương trình phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Nông dân tỉnh
  • Sở Tư pháp: Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác chứng thực
  • Khai trương Trang thông tin Hồ Chí Minh và tư tưởng “lấy dân làm gốc”
  • [INFOGRAPHIC] Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời
  • 13 năm tù cho đối tượng có hành vi giết người
  • Thành phố Kon Tum: Trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 19/5
  • Huyện ủy Sa Thầy tổ chức trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 19/5
  • Hội thi “Thiếu nhi tuyên truyền, giới thiệu sách năm 2022”

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • Ấn tượng hành trình “Về miền Quốc bảo”
  • Đổi thay từ Cuộc vận động
  • Chùm ảnh: Mãn nhãn với Hội thi Cồng chiêng - xoang ở huyện Kon Plông
  • Độc lạ ẩm thực của người Xơ Đăng

Đất & Người Kon Tum

  • Vang mãi tiếng rèn
  • Nhiều năm qua, ở làng Chung Tam (xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) luôn vang lên những tiếng boong boong. Đó là tiếng phát ra từ nhà ông A Um (56 tuổi). Người dân xã Măng Ri gọi ông A Um là một thợ rèn “chính hiệu” bởi ông luôn kế thừa những kỹ năng, kinh nghiệm từ cha mình để rèn ra những lưỡi cuốc, lưỡi rựa… sắc và bền.
  • Hành trình lên đỉnh núi Chư Mom Ray
  • Người Brâu giữ gìn văn hóa truyền thống
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Tổng Biên tập: Nguyễn Mạnh Hồng
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 281 Thi Sách, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 345/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 29/6/2016
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by