• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
Lời chúc Tết Quý Mão – 2023 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng    Xuân khát vọng    Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn thăm, động viên các đơn vị trực đêm giao thừa    Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hòa trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 3/2 tại huyện Kon Rẫy    Lãnh đạo tỉnh viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh   

Tòa soạn & Bạn đọc

  • Nhịp cầu bạn đọc

Ngóng mẹ đi chợ về

30/11/2022 13:02

Ngày còn nhỏ, mẹ hay dặn, chăm ngoan, học giỏi nhé, đi chợ về mẹ sẽ mua quà. Chẳng biết có phải vì lời mẹ dặn hay vì thấy mẹ tần tảo, tất bật ngược xuôi, hết buổi dạy ở trường lại chuyển sang nấu rượu, nuôi heo, làm rau, đến ngày hè còn buôn bán từ chợ nọ sang chợ kia mà tôi luôn cố gắng làm đứa trẻ ngoan, chăm chỉ.

Mẹ đi dạy, đi chợ, tôi ở nhà biết quét nhà, quét sân, biết băm chuối, thái rau, biết ủ men, biết nấu rượu, đủ cả. Buổi sáng đi học, buổi chiều lại theo anh chị lớn ra động cát sau nhà cào lá phi lao về cho mẹ làm chất đốt nấu thức ăn cho cả nhà, nấu cám cho cả bầy heo thịt gần hai chục con. Tối về, ăn uống xong xuôi, cứ đúng bảy giờ tối, tôi và mấy anh chị em đều ngồi vào bàn học bài, mẹ tôi thì ngồi soạn giáo án ngay gần đó. Riết thành quen, thành nếp.

Những tưởng vậy là ngoan, là giỏi rồi, thể nào mẹ đi chợ về cũng có quà. Nhưng không. Mẹ cũng không tỏ ra vui hay buồn và cũng không có quà, dù ngày ngày mẹ vẫn đi chợ, đều đặn chẳng sót hôm nào.

Không phải mẹ không bao giờ mua quà, nói đúng hơn mẹ ít mua quà. Thi thoảng kiểu cuối học kỳ, cuối năm học, mấy chị em được nhận giấy khen, hay kiểu xông xênh khi vừa xuất chuồng lứa heo, mẹ chạy chợ hôm đó có món lời kha khá thì mẹ mới mua quà. Quà đến không định kỳ, bất ngờ, không báo trước nên khỏi phải kể đến độ hân hoan của tôi mỗi lần như vậy. Khi thì cái kẹp tóc, khi thì  bộ chuỗi nhựa đeo cổ màu đỏ mà đến giờ tôi vẫn nhớ là từng hạt nhựa nho nhỏ, chỉ tầm như nửa hạt gạo, xâu đều trong sợi cước mà tôi mang vào tới gương ngắm tới ngắm lui. Khi thì trái mít nghệ to ơi là to, ngon từ ruột, ngọt từ xơ để cả nhà cùng thưởng thức. Khi thì chục bắp luộc, lại thêm bì bắp rang thơm lừng. Khi thì mớ bánh ít và bánh rán.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Mà nói về bánh ít, bánh rán – món ruột rà yêu thương thời thơ ấu thì đúng là cả trời thương nhớ. Vị ngòn ngọt của loại bánh rán bọc đường trăng trắng bên ngoài; vị ngầy ngậy của loại bánh rán có nhân đậu đỏ bên trong; vị beo béo của loại bánh rán kẹp thêm chiếc bánh ít trần mà có nơi gọi là bánh ram ít vẫn theo tôi đến tận bây giờ. Mỗi lần về quê, ghé chợ, dù kiêng khem dầu, đường đủ kiểu, nhưng thể nào cũng phải mua ít bánh rán để được trở về hương ngọt ngào ký ức tuổi thơ, được trở về vị ngon nhớ lâu của món quà hiếm hoi mỗi lần mẹ đi chợ về.

Mẹ ít mua quà mỗi khi đi chợ về. Ngày nhỏ, có lần tôi thắc mắc, sao đứa nọ, đứa kia ngày nào cũng được mẹ đi chợ về mua quà, dù in ít thôi, khi thì khúc mía chia nhỏ, khi thì củ sắn, củ khoai. Mẹ bảo mẹ không muốn tạo thành thói quen, kiểu cứ ngong ngóng, cứ trông trông. Cứ ngoan đi, học giỏi đi mẹ sẽ cho quà. Nhưng ngoan rồi, giỏi rồi mà số lần được quà vẫn hiếm hoi, ít ỏi. Đến giờ ngẫm lại, có lẽ phần vì mẹ nghiêm khắc, phần phải lo toan, phải cân đong, phải đắn đo từng đồng tiền ít ỏi với bao chuyện bán, chuyện mua, nhưng phần khác nữa mẹ chẳng có nhiều thời gian rỗi rãi để dành riêng cho mình, để mà vui với những chuyện mà mẹ bắt buộc mình, bắt buộc các con mình phải là như thế. 

Biết chẳng có quà nhưng tôi vẫn ngóng mẹ đi chợ về. Những ngày hè hoặc ngày chủ nhật nghỉ học, đứng trong sân nhìn ra, mẹ tất tả đạp xe từ ngoài ngõ vào. Mấy chục năm trôi qua rồi, nhưng mỗi lần nhắm mắt lại, nghĩ về căn nhà xưa cũ, nghĩ về mẹ cha, hình ảnh mẹ mỗi lần đi chợ về vẫn hiển hiện trong mồn một. Chiếc nón lá buộc quai vải nhung màu tím Huế - với mẹ ngày ấy vậy là sang chảnh lắm rồi – mà gió thổi như hất ngược về sau lưng. Hôm nào cũng như hôm nào mẹ đèo sau xe bao gạo nặng tầm năm chục cân để trưa về bắt tay vào công việc quen thuộc mỗi ngày: Nấu cơm, ủ men cơm và nấu rượu. Trước ghi đông xe lủng lẳng chiếc làn nhựa đựng đủ các thứ là nguồn sống cho cả nhà, từ mắm muối, đến rau dưa, cá thịt. Mẹ vừa dựng xe trước sân, chúng tôi nháo nhác chạy ra giúp mẹ đỡ chiếc xe, khuân bao gạo. Và lại rộn rã hẳn lên với hàng loạt câu hỏi kiểm tra phần việc giao cho mỗi đứa từ sáng, nào là quét nhà chưa, hái rau heo chưa, học bài chưa. Phải lâu thật lâu mới có chút quà. Chút quà chợ ấy thể nào mẹ cũng đặt lên trên cùng trong chiếc làn nhựa. Chị em chúng tôi - đám con trẻ háu ăn lại thêm ríu rít, chia chia chác chác, phần em, phần chị, phần anh, phần mẹ, phần cha.

Lớn lên rồi, cũng trở thành người mẹ rồi, mỗi khi chờ đợi điều gì đó, tôi hay ví von giống như ngóng mẹ đi chợ về. Nhưng có lẽ, các con tôi không có cái cảm giác ngóng chờ vừa tồi tội vừa thân thương ấy. Vì chúng đủ đầy, đâu chờ mong đồng quà, tấm bánh. Vì cuộc sống hiện đại, thế giới của chúng không dừng lại nơi những buổi chợ lấp lánh sắc màu như tôi năm nào.

Còn tôi, cảm giác ngóng mẹ đi chợ về vẫn còn mãi trong mắt tôi nhìn, trong lòng tôi nghĩ. Vẫn dáng hình mẹ tất tả đạp xe từ ngoài ngõ vào, bao gạo chở đằng sau, chiếc làn nhựa treo ở ghi đông đằng trước. Phải lâu thật lâu mẹ mới mua quà. Mỗi lần vậy sân nhà lại rộn ràng, chia chia chác chác, phần em, phần chị, phần anh, phần mẹ, phần cha.

NGUYÊN PHÚC

   

Các tin khác

  • Miệt mài Đăk Bla
  • Ước mong mùa Xuân mới
  • Ngày Xuân
  • Về làng
  • Bánh Tết
  • Tết ấm quê nhà
  • Xúc cảm đầu Xuân
  • Nhớ Tết
  • Con mèo trong văn hóa Việt Nam
  • Mùa Xuân nghĩ về những người làm báo Tết
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • Sa Thầy: Giải đua thuyền độc mộc mùa Xuân lần thứ 4 năm 2023
  • Dịp Tết Nguyên đán diễn ra trong An toàn giao thông
  • Để cồng chiêng ngân mãi
  • Miệt mài Đăk Bla
  • Hai thế hệ cùng gìn giữ sử thi
  • Ước mong mùa Xuân mới
  • Chuyện người cán bộ “hai vai”
  • Chùm ảnh: Lễ Mở cửa kho lúa của người Rơ Măm

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • Chuyện người cán bộ “hai vai”
  • Chùm ảnh: Lễ Mở cửa kho lúa của người Rơ Măm
  • Chùm ảnh: Măng Đen thu hút du khách dịp Tết Nguyên đán
  • Chùm ảnh: Ngắm mai anh đào nở ở Măng Đen

Đất & Người Kon Tum

  • Tết ấm của người Tày nơi miền biên
  • Năm 2012, hàng chục hộ người Tày đã đến xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai làm kinh tế mới. Giờ đây, đời sống của họ đã ổn định, cùng nhau đón một cái Tết ấm trên quê hương mới.
  • Giữ nhịp xòe Thái đen nơi vùng biên
  • Nghệ nhân ưu tú nặng lòng với cồng chiêng
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Tổng Biên tập: Nguyễn Mạnh Hồng
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 281 Thi Sách, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by