Sách và tuổi thơ tôi
Đọc sách đã giúp tuổi thơ tôi, một đứa trẻ nông thôn có cuộc sống khó khăn, đói no thất thường, trở nên nhiều màu sắc tươi sáng hơn; tâm hồn bay bổng và nhiều ước mơ hơn.
Sáng cuối tuần, tôi ghé vào một quán cà phê nhỏ, nằm khiêm nhường trong một con hẻm. Dăm ba người đã ngồi đó, có thể vì thèm ly cà phê bốc khói trong buổi sáng mát mẻ hiếm hoi giữa cao điểm nắng nóng.
Hoặc có thể họ muốn tìm đọc một cuốn sách, trong rất nhiều đầu sách được ông chủ quán cà phê xếp ngay ngắn trên những kệ gỗ.
Chủ quán rõ là một người mê sách. Ông sưu tầm và cất giữ cẩn thận rất nhiều sách “đông tây kim cổ”. Từ những Tam quốc, Thủy hử, Tây Du ký, Đông Chu liệt quốc, đến Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Những người khốn khổ, Thép đã tôi thế đấy, Không gia đình, Những tấm lòng cao cả.
Từ Hoàng Lê nhất thống chí, Truyện Kiều, Nhật ký trong tù, Ông cố vấn, Số đỏ, Chí Phèo, Vang bóng một thời, Tắt đèn, Bỉ vỏ, Đời thừa, Dế mèn phiêu lưu ký đến những Dấu chân người lính, Nắng đồng bằng, Nhật ký Đặng Thùy Trâm.
|
Ông cũng rất chịu khó sưu tầm, bổ sung các đầu sách mới, nhất là sách dành cho thiếu nhi. Vì theo ông, các cháu của ông đều thích đọc sách, và tủ sách này là để “phục vụ” con cháu trong nhà. Tất nhiên là nếu khách đến uống cà phê muốn đọc, ông cũng sẵn lòng cho mượn.
Mỗi lần đến quán, tôi đều thích thú ngồi ngắm cảnh ông già chăm chút những kệ sách của mình. Chỉ có những người yêu sách mới tỷ mẩn đến thế, mới nhẹ nhàng đến thế.
Mỗi lần đến quán, tôi lại thấy những đứa cháu của ông chủ quán nằm trên những cái võng mắc trong khu vườn nhỏ trước quán cà phê đọc sách. Một hình ảnh gợi lên sự nhẹ nhàng và trong trẻo.
Nó cũng làm tôi nhớ về tuổi ấu thơ, về căn nhà nhỏ và khu vườn rộng nhưng cằn cỗi, chỉ có dăm cây nhãn cổ thụ. Giữa hai gốc nhãn cột một chiếc võng dù, trên võng là thằng nhỏ cởi trần, mặc quần đùi mê mải đọc sách, mặc những đốm nắng nhảy nhót dưới tán lá, soi vào da thịt.
Thói quen đọc sách của tôi được gieo mầm từ khi đang học mẫu giáo, qua những buổi trưa hè nằm nghe chị gái đọc truyện. Sau đó tò mò tập đánh vần và ghép từng chữ dưới ánh mắt khích lệ của bố.
Hồi ấy, với chị em tôi, sách là một thứ gì đó khá xa xỉ, đến sách giáo khoa đi học còn phải “xoay vòng” nói gì đến sách truyện. Bố mẹ là nông dân, đầu tắt mặt tối với ruộng vườn, nuôi 4 con ăn học đã hụt hơi, làm gì có tiền cho con mua sách về đọc.
Tôi kiếm sách từ nhiều nguồn. Sách của nhà trường thưởng học sinh giỏi, học sinh tiên tiến; sách bố đem về làm phần thưởng học sinh giỏi; sách mượn của thư viện trường; sách trao đổi với bạn bè. Thậm chí theo chân mấy đứa có tiền mua sách mới đọc ké, hoặc chờ chúng đọc xong rồi mượn.
|
Họa hoằn lắm được bố đèo lên cửa hàng sách duy nhất ở thị trấn. Mỗi lần như thế, tôi đi giữa những hàng sách mà như mê. Nhận quyển sách mới, việc đầu tiên là ôm thật chặt trong lòng, như sợ nó sẽ bay đi mất. Rồi hít mãi mùi thơm của mực, của giấy mới, nó khác xa mùi ẩm mục của sách cũ.
Sự “mê” sách từng đem lại không ít phiền toái cho chính tôi. Nhiều lần tôi no đòn vì đi chăn trâu nhưng mải đọc sách để trâu ăn lúa của hợp tác xã, bị phạt vào công điểm của mẹ. Hay đọc sách khi nấu cơm, để lửa bén vào đống rơm bốc cháy đùng đùng, xém tý nữa thì thiêu rụi ngôi nhà tranh.
Còn chuyện cơm sống, cơm khê, cơm nhão, canh toàn tro bếp là chuyện… thường. Nhưng mê sách đã “ngấm vào máu” rồi, nói như giới trẻ bây giờ thì “có đầu thai mới hết”. Nên rồi mẹ cũng đành chịu, không đánh, không mắng nữa.
Thích nhất là những trưa hè, khi nắng nóng làm cho rôm sảy đốt người ta một cách khó chịu, tôi sẽ mắc võng vào hai cây nhãn ở sau vườn nằm đọc sách.
Sách mở ra trong tâm trí tôi những thế giới mới, có buồn có vui, có những điều tiếc nuối và cũng có cả những hy vọng ấp ủ, nhẹ nhàng mà sâu lắng. Có những rung động đồng cảm trong từng câu chuyện giản dị và vô cùng quen thuộc.
Cứ thế, sách đã giúp tuổi thơ tôi, một đứa trẻ nông thôn có cuộc sống khó khăn, đói no thất thường, trở nên nhiều màu sắc tươi sáng hơn; tâm hồn bay bổng và nhiều ước mơ hơn.
Lớn lên, đi học đại học. Hoàn cảnh gia đình khó khăn hơn, tôi phải làm thêm đủ việc để kiếm thêm tiền đóng học phí, nhưng niềm đam mê sách không giảm đi, mà lại tăng lên.
Nghe lời các anh chị khóa trước, chúng tôi rủ nhau đạp xe lên phố sách Đinh Lễ tìm mua sách cũ. Bụi bám ư, vàng ố ư, long gáy, rách bìa ư? Chẳng hề gì với lũ sinh viên nghèo cả. Vậy đã là hạnh phúc hơn rất nhiều so với tuổi thơ “đói sách”.
Những đêm nằm ở ký túc xá với cái bụng rỗng tuếch, sách trở thành món ăn tinh thần khiến cho chiếc dạ dày dẫu “biểu tình” nhưng trí não cũng quên đi đôi chút. Đúng như câu “đói đọc sách đã thấy quý sách. Vừa đói vừa rét đọc sách lại càng quý sách hơn”.
Cho đến nay, thói quen đọc sách của tôi vẫn không thay đổi. Tuổi thơ thiếu sách có lẽ vẫn in trong ký ức, nên cứ thấy sách là “thèm”. Dù kinh tế không dư giả gì, nhưng tôi vẫn duy trì thói quen mỗi tháng dành ra một khoản tiền để mua vài cuốn sách mà mình yêu thích.
Qua năm tháng, sách đã chất đầy vài cái kệ nhưng cái cảm giác “thèm sách” từ ngày xưa vẫn âm ỉ cháy. Rất lạ.
Có lần, tôi nói về ý thích đọc sách của mình với mấy bạn trẻ, họ cười: Ngày ấy, các chú không đọc sách thì biết lấy gì giải trí? Còn bây giờ, thời đại công nghệ, Internet phủ kín rồi, có thể đọc sách online bất cứ lúc nào thì cần gì phải mua sách in về đọc?
Dù hơi buồn, nhưng khi nhìn những đứa cháu của ông chủ quán cà phê đang nằm đọc sách trên cánh võng đung đưa trong vườn, tôi lại vững tin rằng, đó chỉ là tiếng nói của một bộ phận!
Những cuốn sách vẫn nuôi dưỡng tâm hồn, vẫn gieo hạt giống tình yêu với sách và văn hóa đọc cho thế hệ trẻ.
THÀNH HƯNG