Tản mạn ngày mưa
Mưa buồn hay vui là tự cảm nhận của mỗi người. Với tôi, mưa đem lại những khoảng lặng tâm hồn để suy ngẫm về những gì đã và đang diễn ra trong cuộc đời mình, với những vui buồn.
Tây Nguyên đang bước vào cao điểm của mùa mưa. Có khi mưa liên miên ngày này sang ngày khác, liên miên từ sáng đến tối. Có khi mưa ào ạt buổi sáng, đến trưa thì tạnh, chiều lại mưa tiếp đến tối. Có ngày, sáng nắng, chiều mưa, tối thì mưa dầm dề. Bởi thế mà dường như lúc nào cũng thấy núi đồi, phố phường đẫm nước.
Đi trên phố ngày mưa, tự nhiên bao cảm xúc của ngày xa xưa cứ ùa về. Mưa buồn hay vui là tự cảm nhận của mỗi người. Chỉ biết rằng, mưa lúc nào cũng làm cho tâm hồn con người ta như có những khoảng lặng để suy ngẫm về những gì đã và đang diễn ra trong cuộc đời mình, với những vui buồn.
Đó là kỷ niệm của những ngày bị mẹ mắng khi dầm mình tắm mưa hàng giờ đồng hồ trên đường làng cùng chúng bạn. Đó là kỷ niệm về những ngày mưa cùng cha mẹ lội nước bì bõm trên cánh đồng làng gặt lúa tránh bão đến lạnh cóng cả chân tay.
Đó còn là kỷ niệm về những ngày tháng dầm mình dưới mưa một cách thích thú, cái áo mưa còn nằm trong cặp, để đạp xe đi học về cùng chúng bạn trên con đường đất sình lầy với biết bao trò tinh nghịch. Và càng không thể quên góc bếp ngày mưa của mẹ lúc nào cũng ấm áp, bình dị, thân thương với mùi thơm của khoai, của bắp và cả những bữa cơm mẹ nấu chỉ có mắm với rau.
|
|
Giờ đây, xa quê, giữa bộn bề cuộc sống thường ngày, đôi khi chẳng có thời gian để nhớ về. Ký ức tuổi thơ với những cơn mưa, cứ thế nằm im lìm ở góc nào đó, chỉ đến ngày mưa, thời gian trôi chậm lại để chừa những khoảng trống trong tâm hồn cho những ký ức, kỷ niệm của ngày xa xưa ấy tìm về, giúp con người ta cân bằng hơn cuộc sống.
Ngày mưa, bên góc phố, ngồi nhâm nhi ly trà nóng thấy thời gian trôi thật chậm rãi. Phố ngày mưa không nhộn nhịp. Dòng người mưu sinh trên phố cũng thưa thớt hơn. Bà cụ hay đi bộ để bán những mớ rau, ngày mưa dầm dề thấy vắng bóng, có lẽ vì những luống rau nhà bà không chịu nổi với những ngày mưa dầm “thối đất thối cát”. Ông cụ chuyên bán kem mấy mươi năm trên phố cũng không còn đạp xe chậm rãi trên những con đường để cuốn hút những đứa trẻ. Gánh xu xoa, tàu hủ của các cô, các chị cũng vắng bóng, làm đường phố buồn hẳn vì thiếu những tiếng rao.
Thay vào đó, ngày mưa dầm dề, những bếp than đỏ rực của những hàng chuối chiên, bánh xèo, khoai lang nướng, bắp nướng dậy mùi thơm nức, tỏa khói nghi ngút, có sức hút mãnh liệt đối với những người con xa quê. Họ muốn ghé vào để tìm lại chút hơi ấm từ góc bếp thân thương của mẹ nơi quê nhà.
Người ta thường hay nói vui “Đi qua những ngày nắng, thấy yêu sao những ngày mưa” để thấy những ngày mưa có gì đó rất đẹp đẽ. Cái đẹp không chỉ của cảnh sắc, tiết trời mát mẻ mà còn là vẻ đẹp trong tâm hồn con người khi có những phút giây được lắng đọng lòng mình để hồi tưởng, nhớ nhung về những kỷ niệm.
Bởi thế, mưa cũng là mạch nguồn mang lại cảm hứng bất tận của thi ca, nhạc, họa. Mưa làm cho con người ta cảm thấy nhớ thương da diết đấng sinh thành: “Đêm nay nghe tiếng mưa, con ngồi đây nhớ mẹ. Ở quê nhà, mẹ bây giờ có nhớ con không?”. Cũng có khi ai đó nhìn mưa mà nhớ thương, day dứt về một mối tình:“Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ. Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao. Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ. Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu. Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ. Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua. Trên bước chân em âm thầm lá đổ. Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa”.
Và dẫu buồn hay vui thế nào thì cũng cảm ơn ngày mưa đã giúp ta “rửa sạch” những bụi trần, lắng đọng tâm hồn mình để giữ lại những cảm xúc yêu thương.
SÔNG CÔN