• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
Quảng Ngãi - Kon Tum: Thống nhất 4 nội dung liên quan tới sáp nhập tỉnh    ĐỘNG LỰC MỚI CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ    Quảng Ngãi - Kon Tum làm việc định kỳ lần 2 về việc sáp nhập tỉnh    Quyết liệt triển khai nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát    6 nhiệm vụ trọng tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025   

Tòa soạn & Bạn đọc

  • Nhịp cầu bạn đọc

Viết trong Ngày của Mẹ

11/05/2025 22:34

Hôm nay, ngày 11/5 là Ngày của Mẹ. Và cũng hôm nay, con nhận được hai mặt bức ảnh đen trắng với khổ ảnh chỉ nhỏ bằng nửa lòng bàn tay mẹ gửi qua zalo cho con. Mặt trước bức ảnh là đứa trẻ nằm chống hai tay trên mặt bàn, đầu ngóc cao, đôi mắt nhìn chăm chăm về phía trước. Mặt sau bức ảnh là dòng chữ nắn nót của mẹ ghi đầy đủ họ tên của con, ngày tháng năm sinh và ngày tháng năm chụp bức ảnh. Nhẩm sơ phép trừ thì lúc đó con hãy tròn 5 tháng tuổi. Ngắm tới, nhìn lui bức ảnh ố vàng mà trong con- giờ đã sắp chạm ngõ năm mươi- như được bước lên cỗ máy thời gian trở về những tháng năm yêu thương xa ngái.

Ảnh minh họa

 

Ngắm nghía bức ảnh ố vàng mà con vẫn nhớ hồi còn nhỏ, thỉnh thoảng nghe mẹ kể, cả năm anh chị em con cứ đến ngày tròn năm tháng tuổi đều được cha đèo, mẹ ẵm đến hiệu ảnh ở xã bên chụp cho bức ảnh cùng kiểu nằm sấp, hai tay chống lên bàn, đầu ngóc lên nhìn về phía trước mà chẳng nghĩ ngợi gì nhiều. Cảm giác đó như một lẽ tất yếu, một lẽ đương nhiên. Kiểu như cây non mới đâm chồi nảy lộc, nhìn quanh đâu cũng có bóng mát che chở, nhìn quanh đâu cũng có cây lớn cứng cáp ở bên để nương tựa vào.

Lớn lên rồi, con cũng là người mẹ của hai con với bao nhọc nhằn, lo âu, mới thấm hiểu bao yêu thương, mong đợi được mẹ cha gửi gắm nào đâu chỉ ở bức ảnh khổ nhỏ bằng nửa bàn tay khi con mới năm tháng tuổi ấy. Bao yêu thương, bao hy vọng mẹ gửi vào chúng con đằng đẵng biết bao tháng năm. Thấm đẫm yêu thương, ấp ôm hy vọng, mẹ chẳng nề hà gian khó, cực nhọc, chỉ mong sao cho các con được ăn học, được bước xa hơn cánh đồng làng. Thành ra, cả đời mẹ tần tảo sớm hôm, hết giờ dạy trên lớp, lại cuốc đất trồng rau, băm chuối, vớt bèo chăm chút cho đàn heo ủn ỉn. Đến ngày hè, mẹ chất trước, chất sau đủ thứ rau củ lên xe đạp vượt qua hàng chục cây số bán buôn từ chợ này sang chợ khác.

Chẳng phải chỉ trong hôm nay là Ngày của Mẹ mà mỗi ngày con đều khắc ghi, biết ơn mẹ tảo tần sớm hôm để con được cặm cụi với bút mực, sách vở. Con biết ơn mẹ- người mẹ tràn đầy nghị lực, mạnh mẽ đã truyền sức mạnh cho con biết đương đầu với mọi khó khăn, biết chăm chút cho các con của con như cha mẹ đã từng làm cho con cũng là một cách hiếu lễ. Con biết ơn mẹ, vì điều mà mẹ đã cho con cái đó là sự hy sinh, điều mà mẹ dạy cho con cái đó là sự nhường nhịn, bao dung, có niềm tin, biết dung hòa thích ứng với cuộc sống chứ không phải chối bỏ bằng những phản ứng tiêu cực.

Giờ đây, đôi chân con được bước xa hơn cánh đồng làng. Còn mẹ, vẫn mãi ở bên cánh đồng làng ngan ngát mùi thung thổ, mà nỗi lòng trọn đời canh cánh về con. Con buồn - con vui, con khổ đau - con hạnh phúc cũng là nỗi niềm buồn - vui, khổ đau - hạnh phúc của mẹ.

Ngày của Mẹ. Năm nào cũng vậy, nhìn tờ lịch dấu ghi Ngày của Mẹ, trong con như bừng lên một lời nhắc nhở, hãy chậm lại một chút, hãy dành thời gian sẻ chia, hãy nói lời yêu thương với mẹ nhiều hơn. Chính mẹ chẳng phải đã bao lần vẫn dặn dò con, lòng báo hiếu và tình yêu thương cũng là hạt rất cần đất tốt để gieo, rất cần nước mát lành để tưới, mẹ nhỉ.

Ngắm nhìn bức ảnh ngả màu thời gian, màn hình điện thoại của con chạy hoài những ngày ở quê nhà, không gian đẫm mùi lá phi lao rơi rụng. Có ngôi nhà ba gian cũ kĩ hằn in những bước chân đầu đời của con, cả những bài hát chẳng tròn vành rõ chữ, chữ được chữ mất bởi cái giọng ngọng líu ngọng lo con trẻ xen lẫn trong tiếng reo vui hớn hở của mẹ cha. Có góc bếp ở bên nhà, sớm sớm, chiều chiều khói bếp la đà bay ngang mái mà lòng háo hức về bữa cơm chiều ấm áp, sum vầy. Có khoảng mênh mông vườn cây hoa trái cha cuốc xới, mẹ vun trồng, gọi về bao ấu thơ có cả êm đềm, có cả những dữ dội.

Chỉ nghĩ đến đó thôi, lòng con chợt khởi lên niềm mong ước, giá như trong ngày này- Ngày của Mẹ, ngày mà bao người con gửi đến những người mẹ muôn vàn yêu thương, hiếu kính - con được ở bên mẹ, cùng mẹ lật giở tới lui những bức ảnh ngả màu thời gian. Để cùng mẹ nghe thời gian như trôi ngược dòng, lụi cụi với những tờ giấy khen, những nét chữ đầu đời, những bức thư ngày con rời khỏi vòng tay mẹ để bước ra phố phường, tìm thêm con chữ mới.

Trong miên man suy tưởng, con thấy thấp thoáng bóng hình mẹ với dáng đứng không còn thẳng, mái tóc bạc trắng, đôi bàn tay lấm tấm những đồi mồi, những ngón tay lúc nào cũng cắt ngắn, chưa một lần tô sơn đỏ sơn hồng đang ngóng đợi con về. Ngẫm ngợi tới lui, con chẳng còn nhớ rõ từ khi nào dáng đứng của mẹ không còn thẳng, mỗi lần bước chân lên thềm mẹ đều tay vịn tường, tay chống gối. Từ khi nào, mẹ nhức xương mỏi gối, phải trở mình bao lần trong đêm mà ngoài trời vẫn chưa tới sáng. Con biết sẽ là vô tâm, sẽ là vô tình nếu cứ mải bước đi trong dòng chảy của thời gian, trong nhịp sống hiện đại có phần hối hả. Nào đâu chỉ trong Ngày của Mẹ, con tự nhủ lòng, đều đặn mỗi ngày, hãy chậm lại một chút, hãy dành thời gian sẻ chia, hãy nói lời yêu thương với mẹ nhiều hơn.

Tháng Năm, quê nhà với những cơn gió Lào thổi qua vườn xao xác. Còn nơi con ở đây, những cơn mưa đầu mùa cứ nối tiếp nhau đến nặng lòng. Nặng lòng như nỗi nhớ mẹ đang ở nơi quê nhà xa ngái. Đứng bên khung cửa sổ nhìn ra hàng cây bên kia đường ướt đẫm, lá rơi xào xạc, thấy mùa đi rất vội, lòng con như rung lên từng đợt. Chợt nghe câu hát nhà ai vọng lại “Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi/Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần” mà khóe mắt con cay cay.

NGUYÊN PHÚC

   

Các tin khác

  • “Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ”
  • Khắc ghi chuyện kể của bà
  • Mùa rẫy tới
  • Một ly cà phê đen
  • Màu thời gian
  • Mưa trái mùa
  • Cơn mưa ngang qua
  • Sương sâm ngày nóng
  • Đi trong mùa nắng
  • Tháng Ba mùa gặt
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • Đưa công nghệ bay vào sản xuất nông nghiệp
  • Ngày về
  • Chùm ảnh: Người sưu tầm đồ cổ ở Kon Tum
  • [INFOGRAPHIC] Quảng Ngãi (mới) phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá
  • Tập huấn kỹ năng bán hàng, khởi nghiệp
  • [INFOGRAPHIC] 121 nghìn tỷ đồng dành chi trả chế độ cho các đối tượng nghỉ việc sau sắp xếp
  • Kiểm tra thể lực đối với thí sinh dự tuyển vào các trường Công an nhân dân năm 2025
  • Đồng thuận, hưởng ứng cao bước đột phá về thể chế

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • Chùm ảnh: Người sưu tầm đồ cổ ở Kon Tum
  • Bếp cơm ấm áp tình người
  • Sức hấp dẫn ở thiên đường du lịch Măng Đen
  • Chùm ảnh: Vẻ đẹp mỹ miều của hoạ tiết hoa văn trên cánh đồng mùa gặt

Đất & Người Kon Tum

  • Người giữ lửa nghề truyền thống ở Đăk Niêng
  • Đã bước sang tuổi 80, nhưng ông A Khunh (dân tộc Xơ Đăng) ở thôn Đăk Niêng, xã Măng Bút, huyện Kon Plông vẫn miệt mài đan lát, rèn dao, làm nỏ, gìn giữ những nghề truyền thống. Bằng đôi tay khéo léo và tấm lòng son sắt, ông không chỉ lưu giữ giá trị bản sắc văn hóa dân tộc mà còn âm thầm truyền “lửa” cho thế hệ trẻ.
  • Đâu chỉ là máu xương
  • Những bước chân vì cộng đồng
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 281 Thi Sách, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by