• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
Triển khai nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội tháng 5    Sơ kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”    Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc mừng Lễ Phật đản 2025    Quốc hội sẽ quyết định nhiều nội dung đặc biệt quan trọng trên tất cả các lĩnh vực    Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV   

Tòa soạn & Bạn đọc

  • Nhịp cầu bạn đọc

Vui hội làng

07/12/2023 06:05

Hôm nay làng mở hội mừng nhà rông mới, bao nhiêu là công việc khiến ai nấy đều tất bật. Cánh đàn ông phân công nhau, nhóm này bận bịu với việc dựng cây nêu, nhóm kia mổ heo chuẩn bị lễ vật cúng thần linh. Phụ nữ thì vào rừng, lên rẫy hái lá chua, lá mì, lấy đọt mây về để chế biến các món ăn. Đội chiêng xoang của làng cũng lo tập lại bài chiêng xoang mừng nhà rông mới cho thành thục. Không khí ngày hội ở làng thật rộn ràng.

Được già làng A Ja mời về dự lễ mừng nhà rông của làng, hắn vui lắm. Từ sáng sớm đã thức dậy để chuẩn bị một số đồ dùng cá nhân cho chuyến hành trình hai ngày một đêm ở làng của mình.

Nhiều năm gắn bó với nghề báo, hắn thường xuyên có những chuyến công tác về cơ sở, ngủ lại ở làng nhiều đêm rồi, nhưng chưa khi nào đúng dịp lễ hội.

Xe bon bon trên đường mà lòng hắn rộn vui phơi phới. Từ quốc lộ, xe rẽ qua tỉnh lộ, rồi huyện lộ, đến con đường liên xã, liên thôn dẫn về làng, đâu đâu cũng được trải nhựa hoặc đổ bê tông. Không còn cảnh đánh vật với những đoạn đường đất đầy hố, mù mịt bụi trong mùa khô nữa.

Mùa này, Tây Nguyên bước vào mùa lễ hội. Cuộc đời có những bước ngoặt kỳ lạ. Trước đây, không bao giờ hắn nghĩ sẽ lên Tây Nguyên xa xôi sinh sống, mà bây giờ lại thành “người Tây Nguyên”, yêu làng, yêu cồng chiêng và điệu xoang của những chàng trai, cô gái Tây Nguyên.

Chuẩn bị món ăn mừng ngày hội. Ảnh: S.C

 

Già A Ja đón hắn với nụ cười rạng rỡ, cái bắt tay thật chặt. Già kể, mấy tháng nay, dân làng đã rất háo hức, vui mừng khi cùng chung tay làm lại nhà rông mới, thay cho nhà rông cũ đã xuống cấp từ nhiều năm nay nhưng chưa đủ điều kiện để sửa chữa. Ở làng, các nhóm hộ gia đình chia nhau vào rừng chặt tre, nứa, lồ ô, cắt dây mây, tranh. Mỗi người một phần việc, cho đến khi nguyên liệu đã đủ thì mọi người cùng bắt tay vào sửa chữa nhà rông.

Hơn một tháng ròng rã, miệt mài với công việc, nhà rông của làng đã làm xong. Nhà rông đã dựng lên đẹp đẽ, thay cho mái nhà rông cũ có mái thấp hơn, đã bị dột nát, xuống cấp nghiêm trọng.

Ngắm mái nhà rông cao vút, ngắm nụ cười phấn khởi, mãn nguyện của già A Ja và sự vui mừng của dân làng mà hắn cũng thấy lòng mình rộn rã. Hắn không biết mình đã yêu làng từ bao giờ, có lẽ ngay từ chuyến công tác đầu tiên đã yêu rồi. Bởi hắn cũng sinh ra từ làng, lớn lên từ làng. Hắn yêu mái nhà rông ở làng và hiểu tại sao bà con xem nhà rông là hồn làng, bởi đây là nơi để dân làng tụ họp, sinh hoạt cộng đồng; là nơi để dân làng tổ chức các lễ hội truyền thống của đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên và cũng là nơi để người già ở làng trao truyền cho lớp trẻ những kinh nghiệm sống, làm ăn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Cây nêu đã được dựng lên, các vật tế lễ đã chuẩn bị tươm tất, thịt nướng, cơm lam, rượu cần đã sẵn sàng, già làng bắt đầu nghi thức cúng nhà rông mới. Khi những lời cầu khấn của già làng vừa kết thúc, dân làng cùng nhau uống rượu cần, đánh cồng chiêng, múa xoang.

Hắn cũng hòa mình vào không gian lễ hội của làng, mà trước đây hắn chỉ nhìn thấy qua hình ảnh. Sự trải nghiệm thực tế khiến hắn càng yêu quý hơn những nét văn hóa mà bà con dân làng đã gìn giữ.

Bên ánh lửa bập bùng, bà con dân làng cùng nhau vui mừng nhà rông mới đến thâu đêm. Ảnh: SC

 

Ngày hội ở làng vui đến nỗi dường như chẳng ai còn để ý đến thời gian. Mặt trời xuống dần, rồi đi ngủ dưới ngọn núi sau làng, không khí lạnh hơn. Cồng chiêng ngân vang, già làng chỉ đạo thanh niên mang củi ra trước sân nhà rông chất thành đống để đốt lửa. Ánh lửa bập bùng, hắt bóng nhà rông lên nền trời đen thẫm, làm cho mái nhà rông càng thêm sừng sững, thêm uy nghi.

Trong mênh mang đất trời, trong chếnh choáng men rượu cần tự ủ, trong nồng nàn yêu thương, các chàng trai, cô gái say sưa hơn với nhịp chiêng điệu xoang, tay quyện vào tay, chân bước bên chân.

Hắn ngất ngây trong không khí hội làng, và thấy sao mà yêu không gian này quá đỗi. Mọi người cùng chan hòa với nhau, vui vẻ và thân thiện, mến khách làm sao. Ánh lửa níu mọi người nối vòng xoang, thắt chặt thêm tình đoàn kết.

Hắn đã có một đêm hội làng vui biết chừng nào. Hắn đã bao lần vít rượu cần, mà rượu cần đêm hội dường như nồng nàn hơn. Hắn tự tin cùng nối vòng xoang với bà con dân làng, dù tay hắn múa còn chưa mềm, chưa dẻo, chân hắn bước còn cứng, còn ngượng ngùng.

Hôm nay, già A Ja cũng vui lắm, nên mời khách nhiệt tình. Nhưng già vẫn luôn nói dân làng vui ngày hội chuẩn mực, tránh say xỉn, hiềm khích lẫn nhau; rồi nhắc nhở thanh niên, trẻ em trong làng nâng cao ý thức sử dụng lửa để bảo vệ nhà rông vừa được lợp bằng tranh kia.

Ánh lửa vẫn bập bùng dưới mái nhà rông. Về khuya, đội cồng chiêng của làng tạm nghỉ. Bà con hội tụ lại ngồi quây quần bên ánh lửa để chuyện trò, kể cho nhau nghe về câu chuyện lập làng từ thời xa xưa của cha ông, việc giữ nghề truyền thống, rồi kinh nghiệm làm ăn kinh tế để thoát nghèo.

Ngồi trong vòng người, hắn thấy lòng mình bình yên đến lạ. Nghe bà con kể chuyện, hắn nhớ về ba hắn và những người hàng xóm ở gần nhà. Những đêm ngày mùa vừa kết thúc, ba cùng mấy bác, mấy chú trong xóm thường ngồi lại với nhau để kể chuyện, để truyền cho nhau những kinh nghiệm làm ăn, cùng nhau san sẻ những khó khăn, buồn, vui trong cuộc sống. Lúc ấy, hắn còn nhỏ, cứ theo ngồi bên ba nghe kể chuyện rồi ngủ lúc nào không hay biết.

Hôm nay, về làng, hắn không cảm thấy buồn ngủ xíu nào. Hắn vui vì bà con cũng xem hắn như người của làng, được vui ngày hội với dân làng, được nghe những câu chuyện kể quý giá về làng mà không phải ai cũng có cơ hội. Hắn thấy chuyến đi này của mình thật ý nghĩa.

Già A Ja “khoe” dân làng còn gìn giữ được nhiều lễ hội truyền thống ở góc độ gia đình và cộng đồng, và mời hắn trở lại vào một dịp gần nhất.

Và tất nhiên là hắn nhận lời ngay!

SÔNG CÔN

   

Các tin khác

  • “Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ”
  • Khắc ghi chuyện kể của bà
  • Mùa rẫy tới
  • Một ly cà phê đen
  • Màu thời gian
  • Mưa trái mùa
  • Cơn mưa ngang qua
  • Sương sâm ngày nóng
  • Đi trong mùa nắng
  • Tháng Ba mùa gặt
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • Nỗ lực vượt khó, gặt hái thành công
  • Xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS
  • Già Thao Ú giữ nghề đan lát truyền thống
  • [INFOGRAPHIC] Viên chức giáo dục và y tế không nằm trong phương án giảm 20% biên chế
  • Thông cáo báo chí số 4, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
  • Quốc hội thảo luận Tổ các Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND và Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)
  • Triển khai nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội tháng 5
  • [INFOGRAPHIC] Bổ sung Cảng hàng không Măng Đen vào Quy hoạch hệ thống cảng hàng không

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • Bếp cơm ấm áp tình người
  • Sức hấp dẫn ở thiên đường du lịch Măng Đen
  • Chùm ảnh: Vẻ đẹp mỹ miều của hoạ tiết hoa văn trên cánh đồng mùa gặt
  • Chùm ảnh: Nhộn nhịp công trường ngày nghỉ lễ

Đất & Người Kon Tum

  • Người giữ lửa nghề truyền thống ở Đăk Niêng
  • Đã bước sang tuổi 80, nhưng ông A Khunh (dân tộc Xơ Đăng) ở thôn Đăk Niêng, xã Măng Bút, huyện Kon Plông vẫn miệt mài đan lát, rèn dao, làm nỏ, gìn giữ những nghề truyền thống. Bằng đôi tay khéo léo và tấm lòng son sắt, ông không chỉ lưu giữ giá trị bản sắc văn hóa dân tộc mà còn âm thầm truyền “lửa” cho thế hệ trẻ.
  • Đâu chỉ là máu xương
  • Những bước chân vì cộng đồng
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 281 Thi Sách, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by